Lão nông vượt khó làm kinh tế giỏi
Rời quê hương miền Tây lên TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) lập nghiệp với vỏn vẹn 20 triệu đồng trong tay, nhưng bằng ý chí, nghị lực của mình, gia đình ông Trương Đình Búp (72 tuổi, ngụ Thôn 3, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) đã vượt khó vươn lên trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, ông Búp đang sở hữu trang trại chăn nuôi gà mái đẻ trứng hơn 20.000 con và mang lại nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Từng là một thương gia kinh doanh lúa gạo vùng sông nước tỉnh Tiền Giang, nhưng không may công việc kinh doanh của ông bị đổ bể, phá sản và nợ nần chồng chất. Sau khi gặp nạn trong kinh doanh, năm 1992, ông Búp cùng vợ con khăn gói lên xã Đại Lào lập nghiệp, làm lại từ đầu. Ông Búp kể về quá trình lên vùng đất mới lập nghiệp: “Ngày đầu lên Bảo Lộc gian nan lắm. Sau khi bán hết gia sản ở quê nhà Tiền Giang và trả hết nợ nần, cả gia đình tôi khăn gói lên Bảo Lộc chỉ có vài chục triệu đồng mang theo. May mắn thay, ngày đó, ở xã Đại Lào có một số bà con ở Tiền Giang lên lập nghiệp trước nên cũng nhờ vả được chút ít. Ban đầu tôi mua được hơn 5 sào đất và dựng cái nhà tạm cho vợ con ở để mưu sinh. Khi ấy, vợ chồng tôi cũng chỉ chăm sóc vườn chè và thả thêm ít gà để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống của gia đình”.
Ông Búp bên trang trại chăn nuôi gà mái đẻ đã gắn bó với mình gần 30 năm qua
Tuy cuộc sống thiếu thốn, vất vả nhưng ông vừa làm, vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn với quyết tâm vượt khó vươn lên để có cuộc sống ổn định trên vùng đất mới. Nhận thấy khí hậu vùng đất Bảo Lộc mát mẻ, phù hợp để phát triển mô hình chăn nuôi; từ số vốn tích góp được, ông Búp đầu tư làm chuồng trại và mua 2.000 con gà mái đẻ về nuôi. Thời gian đầu, ông Búp nuôi gà đẻ trứng theo hướng bán công nghiệp và chính sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi đã góp phần giúp công việc chăn nuôi ngày càng phát triển.
“Đúng là có nghị lực vươn lên thì trời thương, chẳng tuyệt đường sống của mình đâu. Dù chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng công việc rất thuận lợi. Đàn gà khỏe mạnh, đẻ đều nên thu nhập của gia đình ngày càng ổn định. Nhận thấy, nuôi gà mái đẻ là hướng đi đúng để phát triển kinh tế, nên tôi đã vay mượn vốn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ theo công nghệ khép kín hơn 600 m2. Chuồng trại được đầu tư theo hướng bán công nghiệp có hệ thống quạt thông gió, hệ thống điện thắp sáng, thiết bị cảm biến nhiệt điều chỉnh nhiệt độ và các van nước tự động cho gà uống… Cứ thế, đàn gà mái đẻ trứng của gia đình không ngừng tăng lên từ 2.000 đến 10.000 con” – ông Búp kể về quá trình phát triển trang trại chăn nuôi của gia đình.
Công việc chăn nuôi thuận lợi, giúp kinh tế gia đình ông Búp ngày càng ổn định. Cứ thế, ông mua thêm đất vườn và tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hiện đại. Từ việc bán trứng cho các lái buôn tại địa phương, ông đã ký hợp đồng bao tiêu trứng gà với một công ty ở TP Hồ Chí Minh. Có thể nói, suốt gần 30 năm qua, cuộc sống, kinh tế của gia đình ông Búp dựa hết vào mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng. Từ năm 2010 đến nay, ông đã xây dựng được 2 trang trại nuôi gà đẻ trứng có diện tích hơn 1.200 m2 với tổng đàn giao động từ 20.000 đến 25.000 con.
Hiện nay, hệ thống chuồng trại được ông Búp đầu tư khép kín, tách biệt với bên ngoài và được tiêu độc khử trùng thường xuyên nên đàn gà phát triển nhanh, cho trứng đều đặn và ít bị dịch bệnh; đồng thời, không gây mùi hôi làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. “Tôi đã nuôi gà đẻ trứng được gần 30 năm, nhưng trước đây quy mô nhỏ từ 2.000 – 5.000 con nên lợi nhuận mạng lại không cao. 10 năm trở lại đây, với việc đầu tư xây dựng chuồng trại theo công nghệ khép kín nên đàn gà lúc nào cũng ổn định ở mức trên 20.000 con gà mái đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày, đàn gà đẻ được khoảng 19.500 quả trứng với tổng trọng lượng khoảng gần 1 tấn trứng/ngày. Gà đẻ ngày nào là công ty cho xe lên lấy ngày đó, nên mình chẳng lo đến việc tiêu thụ. Trừ hết chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 50 triệu đồng/tháng” – ông Búp cho hay.
Ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào cho biết: “Trong nhiều năm qua, ông Trường Đình Búp luôn là một điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Hiện, mô hình nuôi gà mái đẻ của ông Búp đang được nhiều nông dân tại địa phương đến tham quan, học hỏi để nhân rộng. Ngoài việc sản xuất, kinh doanh giỏi thì ông Búp cũng rất nhiệt tình, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương như đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường và tạo công ăn, việc làm cho một số người dân…”.
Hải Đường
Nguồn: Báo Lâm Đồng