Làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Với 5.000 cặp chim bồ câu nuôi trong chuồng lưới, gia đình chị Hồ Thị Nguyệt Quế, tổ 2, ấp 4, xã Minh Long, huyện Chơn Thành thu lời khoảng 50 triệu đồng/tháng. Quá trình nuôi không cần nhiều nhân công chăm sóc, thức ăn dễ mua, bồ câu dễ tiêu thụ… Cách làm kinh tế này phù hợp với những gia đình ít đất, ít công lao động, trong khi vốn đầu tư ban đầu không quá cao.

 
Chị Hồ Thị Nguyệt Quế làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Từ 10 năm trước, gia đình chị Hồ Thị Nguyệt Quế đã nuôi 2 loại bồ câu Pháp và bồ câu gà. Bồ câu Pháp cũng có 2 loại là titan và mimas. Chị Quế cho biết, giá bồ câu các loại từ trước đến nay rất ổn định. Bồ câu gà giống có giá 1 triệu đồng/cặp, trong khi bồ câu Pháp giống chỉ 500 ngàn đồng/cặp. Giá rẻ, lớn con, nhiều thịt nên số lượng bồ câu Pháp chiếm đa số. Hiện gia đình chị Quế nuôi 5.000 cặp bồ câu Pháp, mỗi cặp 1 chuồng riêng và một quần thể bồ câu thịt nuôi tập trung. “Nếu nuôi tốt, 1 con bồ câu mái giống titan sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu tiên, mỗi lứa đẻ 2 trứng, sau 16 – 20 ngày ấp sẽ nở chim non. Khoảng 4 – 7 ngày sau, chim mái tiếp tục đẻ trứng, cứ như vậy, nếu nuôi tốt 1 cặp bồ câu bố mẹ sẽ đẻ khoảng 12 – 13 lứa/năm. Giống mimas được xem là siêu lợi nhuận vì khả năng sản xuất 16 – 17 cặp chim non/năm. Một cặp bồ câu có thể sinh sản trong 5 năm. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm, khả năng sinh sản giảm sút, do vậy nên thay giống” – chị Quế nói.

Chị Quế chia sẻ thêm, chi phí ban đầu để nuôi 1 cặp chim bồ câu sinh sản chỉ khoảng 600 ngàn đồng, gồm: Con giống, lồng nuôi và các phụ kiện như máng ăn, uống, khay hứng phân, ổ ấp trứng. Không gian nuôi cần đảm bảo thoáng, có nhiều ánh sáng. Nuôi công nghiệp số lượng lớn có thể xếp thành nhiều tầng lồng. Thức ăn của bồ câu chủ yếu là cám, gạo lứt, bột bắp. Một cặp chim ăn 100g/ngày, hết khoảng 1.000 đồng. Thức ăn và nước uống của chim được lắp đặt theo hệ thống dây chuyền. Do vậy với số lượng 10 ngàn con như hiện nay thì chỉ cần 2 người làm, chủ yếu cho chim ăn, uống và dọn vệ sinh, chăm sóc thú y…Nhiều năm qua, các nhà hàng, quán nhậu phát triển mạnh, nhu cầu chim bồ câu cũng tăng cao nên gia đình chị Quế chủ yếu bán chim ra ràng cho các mối trên địa bàn Đồng Xoài, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Chim non sau 13 ngày thì tách mẹ để bán. Giá 50 ngàn đồng/con (trọng lượng khoảng 300 – 400 g/con). Bình quân mỗi tháng, gia đình chị Quế bán 2.000 con, doanh thu 100 triệu đồng, trừ chi phí thu lời 50%. Ngoài ra, chưa kể phân bồ câu hằng ngày thu gom bán cho các nhà vườn xung quanh với giá 20 ngàn đồng/bao, gom đến đâu bán hết đến đó.

>> Nếu chăm sóc không tốt thì bồ câu sẽ mắc các bệnh đậu gà, newcastle (bệnh tả), sưng mỏ, tụ huyết trùng và bệnh hô hấp. Nguyên nhân do thức ăn, nước uống, môi trường, không gian nuôi nhốt, nguồn giống, vi-rút… Do vậy, người chăn nuôi cần tiêm phòng, tăng cường phun dung dịch khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại. Nếu nuôi với số lượng lớn, người nuôi cần thực hiện tốt các khâu liên kết để đảm bảo đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định.
Lê Minh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chơn Thành

Quang Minh

Nguồn: Báo Bình Phước