Làm giàu từ làng
“Sẽ đưa Trà hoa vàng Quảng Ninh đến thị trường quốc tế”
Nhìn thấy giá trị, tiềm năng khai thác từ cây trà hoa vàng cũng như những bất cập về thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chưa xứng tầm, anh Đinh Xuân Ngọc, người sáng lập ra Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh (TP Hạ Long) đã đặt ra mục tiêu: Đưa sản phẩm trà hoa vàng của Quảng Ninh vươn rộng đến các thị trường khu vực và quốc tế.
Anh Đinh Xuân Ngọc (trái) mong muốn đưa sản phẩm trà hoa vàng Quảng Ninh đến thị trường quốc tế
Nghĩ là làm, năm 2017, anh Ngọc một mình sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm hiểu thị trường kinh doanh sản phẩm này. Anh nhận thấy, các sản phẩm của họ đều sản xuất quy mô tập trung, vừa mang lại lợi nhuận lớn cho người bán, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Anh cũng nhận thấy, muốn sản phẩm của mình đến được các thị trường lớn thì phải làm chủ được vùng nguyên liệu. Ý tưởng về một vùng trồng trà hoa vàng quy mô lớn, theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy trình trồng, chăm sóc, chế biến được hình thành trong anh.
“Căn nguyên của vấn đề đã rõ, mình tiếp tục sang Lào và Campuchia để tìm hiểu, học hỏi họ việc xây dựng các vùng trồng nguyên liệu. Rất nhiều bài học, rất nhiều kinh nghiệm từ họ đã cho mình những gợi ý để thực hiện mục tiêu. Muốn bán được hàng phải có sản phẩm tốt, muốn có sản phẩm tốt thì phải bắt đầu tuân thủ nghiêm ngặt từ những khâu đầu tiên. Quy trình chăm sóc là quan trọng; vùng trồng đủ lớn là yêu cầu cần thiết; khoa học kỹ thuật là lợi thế cần khai thác triệt để… Đó chính là những yếu tố cơ bản cho sự khởi đầu này” – Anh Ngọc chia sẻ.
Anh Đinh Xuân Ngọc (trái) đi khảo sát các hộ trồng trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh
Bài toán về nguồn nguyên liệu và vùng trồng được giải quyết, anh Ngọc tìm cộng sự và đối tác để thực hiện chế biến sản phẩm trà hoa vàng. Bên cạnh chú trọng về chất lượng, sản phẩm trà hoa vàng Quảng Ninh của Công ty anh còn được áp dụng những công nghệ mới nhất để cho ra những thành phẩm bắt mắt, giữ được màu sắc, hương thơm và giá trị dinh dưỡng tự nhiên, đáp ứng nhu cầu đa dạng và thị hiếu của người tiêu dùng.Khi những chuẩn bị ban đầu đã được định hình, anh Ngọc tiếp xúc, tìm hiểu các hộ trồng trà hoa vàng ở Ba Chẽ, Hải Hà, Cẩm Phả, vận động bà con tham gia chuỗi liên kết với mình. Anh Ngọc cho biết: “Rất may là được bà con ủng hộ. Mình cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con; bà con cam kết thực hiện nghiêm các yêu cầu về quy trình chăm sóc, thu hái. Không dùng phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng sản phẩm”.
Hiện sản phẩm trà hoa vàng của anh đã bắt đầu được sản xuất đại trà và mở bán ở các tỉnh, thành trong nước cũng như thị trường các nước Lào, Campuchia, sắp tới là Nhật Bản.
“Bỏ nghiệp công nhân làm than sau 13 năm công tác, mình bắt đầu lại bằng việc khởi nghiệp từ nông nghiệp. Lý do duy nhất là sự tâm huyết với những sản vật địa phương. Mình sinh ra từ vùng quê nông nghiệp, hiểu rõ giá trị của nông sản và muốn khai thác, làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế đó…” – Anh Ngọc nói.
Chàng kỹ sư 9X bỏ phố về quê nuôi gà
Anh Nguyễn Việt Phương kiểm tra hệ thống cung cấp nước cho gà.
Đảm đương công việc chăm sóc 5.000 con gà, hơn 50 con lợn và gần 1 ha ao nuôi cá nước ngọt, chàng kỹ sư trẻ 9X Nguyễn Việt Phương (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) không ngại khó, ngại khổ đang từng ngày thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2009, Nguyễn Việt Phương thi vào Trường Đại học Phương Đông, khoa CNTT. Sau 4 năm đèn sách, kỹ sư Phương xin vào làm kỹ thuật tại một công ty điện tử ở Hà Nội với mức lương ổn định 12 triệu đồng/tháng. Gắn bó với nghề kỹ sư CNTT được gần 1 năm, anh rời Thủ đô trở về miền quê nghèo Tiên Yên để khởi nghiệp với đàn gia cầm, vườn rau, ao cá.
Anh Phương chia sẻ “Mỗi người đều có những lựa chọn riêng để trưởng thành. Với mình là quay trở về quê nhà lập nghiệp. Có thể rất nhiều người cho rằng sự lựa chọn này của mình là mạo hiểm, nhưng với mình là quyết định sáng suốt. Đều là kiếm tiền để trang trải cuộc sống, thì tại sao lại không thể kiếm tiền và làm giàu cho chính quê hương mình…”.
Quy mô trang trại gà Tiên Yên của anh Nguyễn Việt Phương (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) hiện có hàng nghìn con.
Với tổng thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng/năm, trừ mọi chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh làm giàu, trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm cho gần 50 công nhân tùy vào từng thời điểm. Anh Phương tâm sự: Mục đích việc phát triển trang trại là để thay đổi suy nghĩ của những người nông thôn, ngoài phát triển kinh tế gia đình, còn kích thích người dân phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.Đầu năm 2016, anh Phương đầu tư vốn nuôi 3 đàn vịt khoảng hơn 2.000 con. Nhưng năm đó kinh nghiệm còn hạn chế do mới nuôi, giá vịt thấp chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, không tìm được đầu ra. Sau thất bại lần đầu, anh không nản chí. 4 năm sau anh đã xây dựng được trang trại quy mô hơn với trên 5.000 con gà thịt thương phẩm, gần 30ha rừng keo và bạch đàn, 0,8 ha ao thả cá rô phi và hơn 1.000 m2 trồng rau su su sạch.
Nhân lên những khát vọng cống hiến
Mô hình nuôi chim bồ câu pháp của anh Đoàn Quang Tùng (phường Yên Thanh, TP Uông Bí) cho thu nhập 40 – 50 triệu đồng/tuần.
Chàng trai Nguyễn Minh Ngọc (phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) từ bỏ công việc kỹ sư kinh tế để về quê mở trang trại, tiên phong trong mô hình nuôi đà điểu, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương… Nguyễn Đắc Quang (xã Thống Nhất, TP Hạ Long) mới ngoài 20 tuổi, nhưng đã làm chủ một HTX chuyên trồng, chế biến dược liệu từ giống cây sachi, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình và nhiều nông hộ khu vực lân cận. Họ đã thay đổi tư duy, đổi mới nhận thức, sẵn sàng đánh đổi và lựa chọn hướng đi mới, lập thân lập nghiệp tại quê nhà.Những người trẻ như anh Ngọc, anh Phương đại diện cho lớp thanh niên Quảng Ninh dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách để đóng góp công sức xây dựng quê hương. Câu chuyện về chàng thanh niên Đoàn Quang Tùng (SN 1990, phường Yên Thanh, TP Uông Bí) cất đi tấm bằng quản trị kinh doanh sau 4 năm học tại Đại học Raffles (Úc) về quê lập nghiệp từ những đồng vốn chắt chiu, dành dụm được để nuôi chim bồ câu Pháp, đã thôi thúc nhiều bạn trẻ dấn thân lập nghiệp.
Mô hình nuôi đà điểu của anh Nguyễn Minh Ngọc (phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) mang lại một hướng đi mới cho phát triển kinh tế địa phương
Để tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy tinh thần và ý tưởng khởi nghiệp trong thế hệ trẻ. Tiêu biểu nhất là việc thành lập và duy trì hiệu quả 13 CLB đầu tư và khởi nghiệp của tỉnh và các địa phương với trên 400 thành viên. Từ hoạt động của các CLB này, nhiều ý tưởng khởi nghiệp làm giàu từ chính quê hương đã được manh nha và trở thành hiện thực, gặt hái “trái ngọt”. Tỉnh có cơ chế chính sách ưu đãi về vốn vay, tư vấn, kết nối các ý tưởng khởi nghiệp, qua đó đã cổ vũ, khích lệ phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.
Các phong trào tuổi trẻ Quảng Ninh lập thân lập nghiệp, chung tay xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Từ đó, không ngừng khẳng định khả năng sáng tạo, năng động, chịu khó trong tư duy làm giàu của thế hệ trẻ Quảng Ninh. Đồng thời tiếp tục lan tỏa tinh thần, ý chí và khát vọng được cống hiến cho quê hương của thanh niên.
Nguyên Ngọc
Nguồn: Báo Quảng Ninh