Kỹ thuật nuôi vịt biển thích nghi với biển đổi khí hậu
Vịt biển có rất nhiều ưu điểm như khỏe mạnh, sức đề kháng cao, ít bị bệnh, có thể nuôi trên cạn, dưới nước và chịu nóng, lạnh tốt hơn rất nhiều so các loại vịt khác. Vì vậy, mô hình nuôi vịt biển được xem là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa thích nghi với biển đổi khí hậu ở nước ta.
Chuồng trại
Chuồng nuôi vịt cần được xây dựng đảm bảo các yêu cầu sau:
– Phù hợp với đặc điểm sinh lý của đàn vịt.
– Cách xa khu dân cư, xa đường giao thông chính và các công trình công cộng đông người.
– Trại cần có tường rào bao quanh, tạo vành đai cách ly.
– Khu vực xây trại đảm bảo cao ráo, thoáng mát, không bị mưa tạt, gió lùa. Ðảm bảo chuồng nuôi mát mẻ về mà hè và ấm về mùa đông.
– Không xây dựng chuồng theo hướng Ðông – Tây để tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào chuồng nuôi.
– Có nguồn nước đảm bảo vệ sinh và đủ dùng.
– Có nguồn điện đảm bảo thường xuyên.
– Cần bố trí khu vực úm vịt con và nuôi vịt thịt ở 2 chuồng riêng biệt.
– Phải có chuồng cách ly, hố sát trùng, kho chứa thức ăn, thuốc thú y, đặc biệt là có khu tiêu hủy xác chết, nơi xử lý phân và các chất thải (rắn, nước).
– Khu vực nuôi nên trồng cây xanh để có thể giảm bức xạ nhiệt những khi trời nắng nóng.
Hàng ngày kiểm tra quan sát theo dõi sức khỏe đàn vịt. Ảnh: STO
Mật độ nuôi
Mật độ nuôi đối với hình thức chăn thả có kiểm soát ở các giai đoạn khác nhau như sau:
Bảng 1: Mật độ nuôi vịt biển chăn thả (con/m2 nền chuồng)
Giai đoạn tuổi (tuần) | Nuôi chăn thả có kiểm soát (có chuồng nuôi) |
0 – 1 | 25 – 30 |
2 – 4 | 20 – 15 |
5 – 6 | 8 – 10 |
7 – 8 | 7 |
9 – 10 | 6 |
Chế độ dinh dưỡng
Cho ăn: Giai đoạn úm vịt sử dụng thức ăn hỗn hợp viên cho ăn tự do. Giai đoạn 3 – 8 tuần tuổi vịt được chăn thả để tự kiếm mồi tận dụng thức ăn nhằm hạ giá thành sản phẩm. Nếu điều kiện chăn thả ít mồi thì bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp hoặc lúa, ngô vào thời điểm cuối ngày chăn thả. Giai đoạn 9 – 10 tuần tuổi kết hợp chăn thả và bổ sung thêm thức ăn cho ăn no vào buổi tối để vỗ béo, trường hợp khi thị trường giá bán vịt cao có thể đưa vịt về nuôi nhốt giai đoạn này, sử dụng thức ăn công nghiệp vỗ béo nhanh để có thể tận dụng giá bán cao.
Rau xanh: Vịt con từ ngày tuổi thứ 4 trở đi cần được cho ăn rau xanh. Nguồn rau xanh cho vịt có thể là rau muống, bèo lục bình (bèo tây), bèo tấm…
Bảng 2: Tiêu chuẩn dinh dưỡng thức ăn từ 4 tuần tuổi đến giết thịt
Giai đoạn
Diễn giải |
4 tuần tuổi –
giết thịt |
ME (kcal/kg) | 2.900 |
Protein (%) | 16 |
Lisine (%) | 1 |
Met + Cys tổng số (%) | 0,4 |
Canxi (%) | 1 |
Phốt pho dễ hấp thu (%) | 0,5 |
Nước uống: Nước uống cho vịt phải sạch sẽ, không tù đọng. Không được để vịt nhảy vào máng uống, vì phân vịt làm dơ nước uống. Máng uống cần đặt ở vị trí râm mát để nhiệt độ nước không quá nóng khi trời nắng làm vịt không thu nhận được nước. Với hệ thống chuồng trại, sân chơi, ao bơi khép kín thì hệ thống nước uống được bố trí phần sân giáp với ao bơi để nước không chảy ra sân.
– Khi nuôi môi trường nước nhiễm mặn
+ Ðộ mặn nước dưới 10‰: Thời gian nuôi uống nước ngọt trong 2 tuần đầu, sau đó tập làm quen 1 tuần rồi mới chuyển sang nước có độ mặn.
+ Ðộ mặn nước 10 – 15‰: Thời gian nuôi uống nước ngọt trong 3 tuần đầu, sau đó tập làm quen 1 tuần mới chuyển sang nước có độ mặn.
+ Ðộ mặn nước 15 – 20‰: Thời gian nuôi uống nước ngọt trong 5 tuần đầu, sau đó tập làm quen 1 tuần rồi mới chuyển sang nước có độ mặn.
+ Ðộ mặn nước 20 – 25‰: Thời gian nuôi uống nước ngọt trong 7 tuần đầu, sau đó tập làm quen 1 tuần rồi mới chuyển sang nước có độ mặn.
+ Ðộ mặn nước 25 – 30‰: Thời gian nuôi uống nước ngọt trong 8 tuần đầu, sau đó tập làm quen 1 tuần rồi mới chuyển sang nước có độ mặn.
Mức khuyến cáo trên là khi vịt uống nước nhiễm mặn và không có tiếp xúc với nước ngọt, trong trường hợp vịt nuôi có cả nước mặn và nước ngọt thì tuổi tiếp súc với độ mặn cao sẽ sớm hơn so với khuyến cáo trên.
Cho vịt ra đồng
Thời điểm bắt đầu cho vịt chạy đồng lúc 17 ngày tuổi, sau khi đã tiêm H5N1 và dịch tả vịt. Từ 7 ngày tuổi có thể tập vịt ăn thêm mồi tươi như cá băm nhỏ và trộn với gạo nấu, cho vịt ăn rau xanh, từ ít đến nhiều và bắt đầu cho vịt tắm 2 – 3 lần, mồi lần 10 – 15 phút. Ðến 10 ngày tuổi ban đêm, giảm đèn và nhiệt độ úm, nếu thời tiết tốt tập cho vịt ngủ sương, cho vịt hoạt động trên sân, cho tắm nhiều hơn, giảm số lần cho ăn, tăng thức ăn đạm và rau xanh. Ðến 15 ngày tuổi, tập cho vịt con ra đồng gần để mò mồi, những ngày đầu chân vịt còn yếu khả năng di chuyển kém cần phải có phương tiện vận chuyển vịt ra đồng chăn thả.
Trong tuần đầu thả đồng khả năng kiếm mồi chưa cao thì bổ sung thêm thức ăn 1 lần vào buổi trưa cho vịt ăn tự do trong 20 phút và 1 lần vào cuối ngày chăn thả cho vịt ăn tự do trong 1 giờ. Từ tuần thứ 2, chỉ bổ sung thức ăn vào cuối ngày chăn thả và lượng thức ăn bổ sung tùy điều kiện chăn thả vịt, nếu đồng chăn thả nhiều mồi cuối ngày chăn thả vịt ăn no diều căng thì không cần bổ sung thức ăn.
Người nuôi chọn đồng cho vịt ăn, chăn thả vịt vào buổi sáng, chiều, buổi trưa tìm bóng mát cho vịt trú. Khi ra đồng để vịt ăn tự do. Khi vịt mọc lông nửa lưng (5 – 6 tuần tuổi) nên bổ sung cho vịt ăn thêm. Ðảm bảo có đủ nước uống khi trời nắng, có phương tiện vận chuyển khi thả đồng xa. Cần chú ý đổi đồng để vịt đủ thức ăn và đảm bảo vệ sinh. Lùa vịt lúc trời mát, lùa từ từ và gọi để vịt không sợ, không qua bờ dốc cao, luôn giữ đàn vịt ổn định.
Hàng ngày kiểm tra quan sát theo dõi sức khỏe đàn vịt. Nếu vịt no, nằm yên, đêm ngủ yên là vịt khỏe. Khi thời tiết thay đổi, vịt đói thì đàn vịt xôn xao, run rẩy là vịt bị lạnh, vịt ủ rũ là vịt bị bệnh.
Quản lý sức khỏe
– Hàng ngày sáng sớm phải đi kiểm tra tình hình sức khỏe của đàn vịt.
– Kiểm tra tình trạng chung như bài tiết phân, dáng đi, các biểu hiện bất thường của thủy cầm như liệt chân, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, ho khó thở.
– Kiểm tra đàn gia cầm xem có ăn uống bình thường hay ăn ít, bỏ ăn cần phải tìm nguyên nhân ngay.
– Kiểm tra trạng thái đàn gia cầm vào đầu giờ sáng hàng ngày.
– Thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng vaccine và thuốc định kỳ cho gia cầm.
– Phải có sổ ghi chép đầy đủ chính xác về các loại thuốc và lịch trình sử dụng vacine cho đàn vịt.
– Nếu có hiện tượng khác thường phải báo ngay cho thú y viên biết để can thiệp kịp thời.
Hoàng Yến