Kỹ thuật nuôi gà sao thịt
Gà sao còn gọi là gà trĩ có tên khoa học là Bambusicola, thuộc loại gà rừng. Thịt, trứng của chúng đặc biệt thơm ngon, giá bán thường cao gấp 1,5 – 2 lần so với thịt gà khác. Gà sao có nhiều ưu điểm như sức đề kháng cao, dễ nuôi, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn.
Chuẩn bị chuồng trại và thiết bị
Chuồng nuôi phải được thiết kế theo kiểu bán chăn thả, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Nền chuồng thiết kế đúng kỹ thuật, chắc chắn vì loại gà này to hơn gà thông thường nên chuồng nuôi phải rộng, thoáng. Gà sao thường nhút nhát, dễ bị hoảng sợ, hay bị kích động bởi môi trường xung quanh nên chuồng trại phải luôn được an toàn bằng cách chắn lưới bao quanh. Dùng lưới phủ trên, tránh gà bay ra ngoài. Ngoài ra còn phải có hệ thống sào đậu cho gà vì chúng rất thích bay nhảy lên cao, đồng thời giúp cho gà sao có thêm không gian sống.
Chất độn chuồng: trấu, dăm bào sạch hoặc rơm chặt ngắn, trải lên nền chuồng dày 5 – 10 cm được phun thuốc sát trùng. Sưởi ấm chuồng 10 – 12 giờ trước khi đưa gà vào nuôi.
Máng ăn: Giai đoạn gà con có thể dùng mẹt hoặc khay tôn. Khay bằng tôn có kích thước 80×100 sử dụng cho 100 con gà. Sau đó chuyển dùng máng bằng tôn dài hoặc tròn. Máng tôn tròn sử dụng cho 15 con/máng. Máng dài 3 m, cao 5 – 7 cm, sử dụng cho 60 con.
Máng uống: Sử dụng chụp nước uống tự động bằng nhựa, chứa 3,5 lít nước cho 100 con. Giai đoạn gà dò sử dụng chụp nước uống bằng nhựa 6 – 8 lít cho 50 – 100 gà.
Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi để giữ nhiệt, tránh gió lùa và mưa bão. Sử dụng quây úm bằng cót có chiều dài 4 m, chiều rộng 0,5 m.
Con giống và mật độ
Chọn những gà nhanh nhẹn, mắt sáng, bông lông, bụng gọn, chân mập. Tránh chọn nuôi những gà khô chân, vẹo mỏ, khoèo chân, hở rốn, xệ bụng, lỗ huyệt bết lông. Gà từ 1 – 7 tuần tuổi nuôi khoảng 10 – 15 con/m2, từ 8 – 20 tuần tuổi mật độ khoảng 5 – 6 con/m2.
Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng
Thức ăn: phải đảm bảo chất lượng tốt, cân đối đủ mức đạm, năng lượng và cần bổ sung bột đá, bột vỏ sò. Cho gà ăn nhiều lần trong ngày, lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gà. Hàm lượng protein cho gà từ 0 – 4 tuần tuổi là 22%, từ 5 – 8 tuần tuổi là 20% và 18% từ 9 tuần tuổi đến giết thịt.
Thường xuyên định kỳ bổ sung các loại vitamin có tác dụng kích thích và duy trì sinh sản như A, D, E. Khi thời tiết nắng nóng, bổ sung thêm các chất điện giải, đường gluco và Vitamin C. Không dùng nguyên liệu bị nấm mốc, nhiễm độc tố aflatoxin, hoặc bột cá có hàm lượng muối cao.
Nước uống: Cho gà uống nước sạch và để tăng sức đề kháng, trong những ngày đầu pha vào nước 5 g đường gluco + 1 g Vitamin C/lít nước. Lưu ý ngày đầu mới xuống chuồng, cho gà uống nước, sau 2 – 3 giờ mới cho thức ăn. Phải đảm bảo nước sạch, mát. Thay nước 2 – 3 lần trong ngày để nước không bị ôi chua khi thức ăn lẫn vào.
Nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng
Thiết bị sưởi ấm cho gà có thể dùng bóng hồng ngoại, bóng đèn điện tròn, chụp sưởi, hoặc ở vùng sâu vùng xa có thể dùng bếp than, lò ủ trấu…
Ðộ ẩm tương đối là 60 – 70%, chuồng trại phải luôn giữ cho khô ráo, tránh ẩm ướt đặc biệt là gà mới nở rất mẫn cảm với nước.
Gà con cần chiếu sáng 24/24 giờ từ 1 đến 3 tuần đầu, từ 4 đến 6 tuần tuổi giảm dần còn 16 giờ. Ban ngày dùng ánh sáng tự nhiên, đêm thắp bóng điện. Gà sao rất mẫn cảm với ánh sáng, nên ban đêm phải thắp sáng để tránh cho gà khỏi những kích động bất thường.
Quản lý dịch bệnh
Nên sắp xếp đàn gà cùng lứa tuổi, xuất phát cùng một nơi vào một dãy chuồng để tránh truyễn nhiễm dịch bệnh. Phải có thời gian trống chuồng tối thiểu 14 ngày giữa các đợt nuôi.
Ðặt thuốc tiêu diệt loài gặm nhấm như chuột cả trong và ngoài chuồng gà. Kiểm soát sự phát triển của côn trùng, vì chúng là vật chủ mang mầm bệnh trực tiếp truyền, lây nhiễm bệnh cho gà. Trại cần phải được bao quanh bằng tường, rào để tránh sự xâm nhập của người lạ và các loại động vật hoang dã. Hàng ngày, đưa tất cả các loại dụng cụ đã được dùng như máng ăn, máng uống… cọ rửa sạch sẽ.