Kỹ thuật nuôi đà điểu hướng thịt

Đà điểu là vật nuôi đang đem lại hiệu quả cao, cho nguồn thịt ngon, bổ, giàu dinh dưỡng, có giá trị xuất khẩu lớn.

Chọn giống

Cách chọn giống đà điểu nuôi thương phẩm:

– Chọn đà điểu giống nở đúng ngày (nở ngày thứ 42 – 44)

 – Chọn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị dị tật, bụng gọn, mắt sáng

– Con giống có khối lượng cơ thể từ 0,8 – 1 kg/con

Để giảm hao hụt khi nuôi đà điểu hướng thịt, người nuôi có thể mua giống từ 3 tháng tuổi trở lên, tỷ lệ sống trên 90%.

Cần đáp ứng đủ dinh dưỡng cho đà điểu – Ảnh: Xuân Trường

Yêu cầu chuồng trại

Đà điểu là động vật thích chạy nên phải có sân chơi diện tích rộng, nên có kích thước rộng 5 m và dài 80 – 100 m. Do thói quen của đà điểu sống ở sa mạc luôn thường xuyên tắm cát để làm sạch cơ thể và loại bỏ các ký sinh trùng ngoài da nên cần bố trí đệm cát để tránh bệnh tật.

Sân chơi có trồng cây làm bóng mát cho đà điểu trú nắng. Giai đoạn này đà điểu hầu như ở ngoài trời, vì vậy sân chơi đối với chúng rất quan trọng.

Nên chọn chuồng nuôi ở những khu yên tĩnh do hệ thần kinh đà điểu rất nhạy cảm, dễ kinh động khi có tiếng động đột ngột hoặc người lạ mặt. Khi bị bất ngờ mạnh, cả đàn chạy loạn xạ, có thể dẫm đạp lên nhau, đâm vào bất cứ chướng ngại vật nào dễ gây chân thương, rách da…

Trong khu chuồng trại và sân chơi cần phải dọn sạch các vật như gạch, đá, mảnh thủy tinh, túi nilon hay các vật nhỏ nhọn sắc để tránh chúng ăn phải các thứ này, dễ gây chấn thương đường tiêu hóa.

Chế độ dinh dưỡng

Nuôi đà điểu cần đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để duy trì sự sống, giúp vật nuôi phát triển cân đối, toàn diện. Đà điểu là giống ăn tạp, nguồn thức ăn khá phong phú, nên cung cấp đủ thức ăn xanh, thức ăn tinh, bổ sung là các loại vitamin, khoáng, chế phẩm sinh học… Với đà điểu nuôi nhốt, cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng giúp chúng phát triển khỏe mạnh, tránh tình trạng còi cọc, yếu, ngừng ăn, đi đứng không vững…

Với đà điểu nuôi hướng thịt, cần bổ sung rau, cỏ xanh, vitamin, chất đạm.

Đặc biệt ở đà điểu 4 – 12 tháng tuổi nhu cầu đạm và các vitamin phải đáp ứng đủ để đảm bảo cho sự phát triển. Đà điểu có hệ vi sinh vật ở manh tràng phát triển giúp chúng tiêu hóa xơ thô tới 60%. Vì vậy, bổ sung rau, cỏ xanh tự do để giảm chi phí thức ăn. Rau cỏ non được băm 3 – 4 cm để rễ ăn, cho ăn máng riêng hoặc để lên trên thức ăn tinh.

Phân chia thành từng nhóm nuôi, mỗi nhóm 15 – 20 con, duy trì với mật độ 1 – 2 m2 chuồng/con và 15 m2 sân chơi/con. Bố trí máng ăn cao 0,7 – 0,8 m để đà điểu ăn dễ dàng và không giẫm đạp lên, đảm bảo 4 – 5 con/máng ăn. Bồn đựng nước nên đặt ở nơi thoáng mát, hàng ngày cung cấp 4 – 7 lít nước sạch, thay nước và rửa máng hàng ngày.

Phòng trị bệnh

Đà điểu có thể bị nhiễm một số bệnh như gà, vịt, tuy nhiên việc chữa trị bệnh còn nhiều khó khăn, do đó bà con cần chủ động phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi. Thường xuyên theo dõi, quan sát những biểu hiện bên ngoài, cách ăn uống, đi đứng, chất thải, mắt, màu sắc và độ óng mượt của bộ lông; Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khử trùng xung quanh chuồng nuôi; Cần đảm bảo nguồn thức ăn tươi ngon, không bị nhiễm độc, không chứa chất bảo quản có hại.

Nếu đà điểu bị ốm, sẽ có một số biểu hiện: Dáng vẻ chậm chạp, buồn bã, đầu và cổ gục xuống; Chán ăn, bỏ ăn; Đi lại uể oải, mệt mỏi, lờ đờ, dáng đi xiêu vẹo, không vững chắc; Đứng không cân đối, xương và cổ bị lệch; Tách đàn; Thở không bình thường; Bụng thon nhỏ lại, lưng có đỉnh nhọn; Phân cứng, màu nhợt, có chất nhầy, nước tiểu đổi màu.

Khi phát hiện đà điểu có những biểu hiện trên, người nuôi nên chú ý chăm sóc, nuôi nhốt riêng hoặc gọi cán bộ thú y để tránh rủi ro.

Minh Hiếu