Kỹ thuật chọn giống cho đàn gà sinh sản

Trong chăn nuôi gà, khâu chọn giống giữ vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng cũng như chất lượng gà đặc biệt là đàn gà sinh sản. Tuy nhiên, việc này mất rất nhiều thời gian do chúng ta cần phải chọn lựa dần các thế hệ nối tiếp trong những đàn gà để cuối cùng có được đàn gà giống ưng ý.

Chọn lọc gà 1 ngày tuổi

Chọn gà 1 ngày tuổi (gà mới nở hay gà bóc trứng) được thực hiện ở trạm ấp của cơ sở cung cấp giống. Người nuôi cần chọn gà khỏe mạnh (gà loại I) có thân hình vững chắc, lông bông phủ kín toàn thân, khô sạch, có màu lông đặc trưng của giống, dòng. Mỏ cân xứng, không bị lệch vẹo, dị hình. Mắt tròn, sáng, ướt và mở hoàn toàn. Chân đứng vững, thẳng, nhanh nhẹn, các ngón chân thẳng không cong vẹo. Bụng thon, mềm. Rốn khô và khép kín không bị viêm. Khối lượng cơ thể đạt theo yêu cầu của từng giống, dòng. Tất cả những gà không đạt một trong các tiêu chuẩn trên là gà loại II và bị loại, không được chọn làm giống.

Chọn lọc giai đoạn 1 – 20 tuần tuổi

Trong giai đoạn này, gà được chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn gà con: Gà được cho ăn tự do để phát triển khung xương định hình cơ thể;

Giai đoạn gà dò: gà được cho ăn hạn chế để khống chế khối lượng theo quy định của từng giống để gà có khả năng sinh sản tốt nhất ở giai đoạn tiếp theo.

Đối với gà kiêm dụng thịt lông màu (LV, Tam Hoàng, Ri cải tiến…) được cho ăn tự do đến 5 – 6 tuần tuổi, đối với gà chuyên dụng thịt cao sản lông màu và lông trắng (Sasso, Kabir, ISA Color, Ross 308, ISA…) cho ăn tự do đến 3 – 4 tuần tuổi, sau đó cho ăn hạn chế theo định mức hàng tuần để đảm bảo đạt khối lượng chuẩn và độ đồng đều cao. Người nuôi cần tách riêng trống mái sau khi kết thúc giai đoạn gà con (kết thúc cho ăn tự do). Chọn loại các cá thể ốm, yếu có khối lượng quá nhỏ, hoặc có khuyết tật ngoại hình về màu lông, vẹo mỏ, khèo chân. Chọn loại gà trống lẫn vào gà mái và ngược lại khi đã phân biệt rõ ràng để tiết kiệm thức ăn, giảm chi phí chăn nuôi. Xác định độ đồng đều của đàn gà, cân mẫu hàng tuần 10 – 15% toàn đàn để xác định độ đồng đều theo công thức:

Phân đàn (nhóm gà) căn cứ vào độ đồng đều ở tuần 7 và 14, cho ăn theo định mức phù hợp với khối lượng cơ thể của từng nhóm để có độ đồng đều cao hơn ở các tuần tiếp theo, các nhóm phân chia như sau:

– Nhóm trung bình nằm trong độ đồng đều cho ăn theo định lượng hạn chế thức ăn quy định.

– Nhóm nhỏ cho ăn tăng từ 5 – 10% thức ăn so với nhóm trung bình nhằm tăng nhanh tốc độ sinh trưởng để đuổi kịp nhóm trung bình.

– Nhóm lớn cho ăn giữ nguyên lượng thức ăn hạn chế của tuần đang áp dụng trong 1 – 2 tuần liên tục nhằm giảm tốc độ sinh trưởng đến khi 2 nhóm kia đuổi kịp và đạt được khối lượng chuẩn, độ đồng đều quy định.

Chọn lọc gà mái hậu bị tốt, xấu theo khối lượng chuẩn quy định của cơ sở sản xuất giống và dựa vào các đặc điểm ngoại hình.

Chọn lọc giống giai đoạn gà đẻ

Từ 20 tuần tuổi trở đi, chủ yếu chọn lọc các cá thể gầy, yếu, bệnh, mào rụt, vẹo mỏ, khèo chân, gà trống bị lệch đuôi. Chọn ghép trống vào mái theo tỷ lệ gà chuyên thịt 1/8 – 9 trống/mái (11 – 12,5%); gà chuyên trứng ghép 1/10 – 11 trống/mái (9 – 10%). Điều chỉnh định lượng thức ăn theo tỷ lệ đẻ và cho ăn tách riêng trống, mái đối với gà chuyên dụng thịt cao sản. Chọn loại định kỳ hàng tháng gà mái không đẻ thông qua các đặc điểm ngoại hình nhằm giảm chi phí thức ăn trong đàn.