Kinh nghiệm chăm sóc gà mùa đông
Vào mùa đông, nhiệt độ thấp, mưa phùn cùng với độ ẩm không khí tăng cao, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh.
Chuồng trại
Chuồng nuôi gà cần kín gió, không nên có khe hở vì gió lùa gà sẽ rất lạnh và dễ bị bệnh. Ðặc biệt, không nên làm cửa thông gió quá thấp sẽ khiến gió lùa vào.
Chuẩn bị đầy đủ hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng, bảo đảm chuồng trại kín, ấm, khô. Bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, khi sử dụng bóng đèn vào ban đêm nên che bớt ánh sáng cho gà dễ ngủ, đảm bảo sức khỏe của gà. Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tùy thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn. Nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao dễ gây khô chân, khô niêm mạc của gà.
Nếu nuôi gia cầm số lượng nhiều, diện tích lớn, cần lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng đèn gas. Phương pháp này giúp tỏa nhiệt lớn với diện tích rộng, tiết kiệm chi phí hơn so các biện pháp sưởi ấm khác và không lo tình trạng mất điện ảnh hưởng đến việc sưởi ấm cho đàn gà.
Chuồng nuôi nên được ngăn ra làm từng ô nhỏ để thuận tiện cho việc sưởi ấm, tránh để gà trong diện tích lớn khó khăn trong việc sưởi ấm, giữ ấm cho gà.
Khi sử dụng bóng đèn vào ban đêm nên che bớt ánh sáng cho gà dễ ngủ
Chăm sóc
Ðối với gia cầm non, phải được nuôi trong các chuồng úm được thắp điện sưởi ấm ít nhất 2 – 4 tuần tuổi. Phải có hệ thống chụp sưởi để đảm bảo nhiệt độ quây úm thích hợp 32 – 340C. Chất độn chuồng dày 8 – 10 cm, đảm bảo luôn khô ráo, sạch sẽ. Lưu ý đối với các giống gà mọc lông chậm hoặc ít lông (gà chọi, gà Mía, Ðông Tảo…) khả năng chịu lạnh kém cần có biện pháp chống rét thích hợp.
Vào mùa đông, nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ khiến hệ miễn dịch của gà giảm xuống, người nuôi cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ và trạng thái sức khỏe đàn gà. Nhiệt độ mùa đông vào ban ngày và ban đêm chênh lệch tới 100C nên khi úm, tốt nhất, cần điều chỉnh nhiệt độ úm mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
Mùa đông có đặc điểm là ngày ngắn, đêm dài nên thời gian chiếu sáng tự nhiên sẽ kém. Chính vì thế, cần đảm bảo thời gian chiếu sáng cho gà sẽ giúp gà phát triển tốt hơn.
Vào những ngày mưa, ẩm độ không khí tăng cao trên 90% nên tiến hành dùng quạt để thông gió, tạo thông thoáng cho chuồng nuôi.
Thường xuyên bổ sung, thay mới chất độn chuồng để giữ ấm cho đàn gà, hạn chế tối đa việc sử dụng nước để rửa chuồng (đặc biệt chuồng gà con) vì ngoài giúp gà không bị nhiễm lạnh mà còn hạn chế tối đa độ ẩm trong chuồng nuôi.
Nên cung cấp cho gà ăn đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng thức ăn tốt. Cho gà uống nước sạch, trong ngày nhiệt độ xuống thấp cần cho gà uống nước ấm để đảm bảo sức khỏe. Bổ sung thêm B – Complex giúp cho gà khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
Những ngày thời tiết giá lạnh, người nuôi cần thả gà muộn và nhốt sớm. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, nhốt theo nhu cầu sinh lý ngày tuổi, tháng tuổi của gà. Khoảng 2 – 3 ngày cho gà uống nước tỏi pha loãng/lần, đập dập 2 – 3 củ tỏi sống, để trong không khí 15 – 20 phút sau đem hòa với 10 – 15 lít nước đem cho gà uống, bã tỏi rải quanh chuồng cho gà ngửi mùi. Các chất kháng sinh thực vật có trong tỏi tiêu diệt mạnh virus cúm gia cầm.
Phòng bệnh
Mùa lạnh kèm theo mưa phùn làm cho ẩm độ không khí tăng cao, thời tiết lại thay đổi thất thường mỗi khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh ở gia cầm phát sinh và lây lan mạnh. Vào thời gian này, gia cầm thường mắc các bệnh như: Cúm, hen gà CRD, Gumboro… Vì vậy, người nuôi cần tuân thủ đầy đủ lịch tiêm phòng vaccine cho gà.
Trong mùa đông, nhiệt độ giảm và độ ẩm tăng cao, người nuôi cần đảm bảo chuồng phải được khô thoáng và sạch sẽ. Ðịnh kỳ phun sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng bằng các loại hóa chất như vôi bột, Iodine, Vikon… (khu vực xung quanh chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tháng, trong chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng). Ðồng thời, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế nơi trú ẩn của các vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, rận, bọ chuột…
Hàng ngày vệ sinh máng ăn, máng uống, thay nước 2 – 3 lần/ngày. Kiểm tra chất độn chuồng nếu chỗ nào ẩm ướt phải thay ngay.
Khi mới nhập gà về vào những ngày có thời tiết thay đổi đột ngột phải bổ sung thuốc kháng sinh và tăng cường trợ sức trợ lực.
Với gà có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác, cần chú ý đảm bảo đúng quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hàng ngày kiểm tra theo dõi sức khỏe của đàn gà để phát hiện sớm những con có biểu hiện không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, thích nằm…) cần tách riêng để theo dõi, điều trị. Nếu thấy gà có biểu hiện triệu chứng nặng, lây lan nhanh cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.
>> Ðối với gà con, những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vaccine cho vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vaccine 2 – 3 ngày, cần bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho gà và đáp ứng miễn dịch tốt hơn.
Nguyễn An