Khi cung – cầu lỡ nhịp

Ngành chăn nuôi gia cầm trong thời gian qua được cho là đã có những bước phát triển vượt bậc, song vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu. Nỗi lo mất giá, thua lỗ… vẫn luôn đeo bám lấy người nông dân.

Mất cân đối cung cầu

Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, trong 3 năm (2016 – 2018), tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm 17,5 – 19% so với tổng sản lượng thịt các loại, tăng trưởng bình quân qua 3 năm đạt 6,83%. Thịt gà tăng trưởng bình quân 6,46%, trong đó thịt gà nuôi công nghiệp tăng 8,89%. Thịt thủy cầm tăng cao tới 8,09% trong đó thịt vịt tăng 8,75%, ngan tăng trưởng bình quân 5,49%, ngỗng tăng trưởng cao nhất là gần 22%.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, đàn gia cầm cả nước nhìn chung phát triển tốt. Do ảnh hưởng của Dịch tả heo châu Phi (ASF), nên nhiều hộ đã chuyển hướng từ chăn nuôi heo sang gia cầm và các cơ sở chăn nuôi cũng chủ động tăng đàn gia cầm trước tình hình dịch bệnh ở heo. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số gia cầm của cả nước tháng 10/2019 tăng 11,5% so cùng thời điểm năm 2018.

Việc tăng đàn nhanh chóng được cho là một phần nguyên nhân khiến giá thịt và trứng gia cầm, nhất là giá gà công nghiệp tuột dốc không phanh trong khoảng từ tháng 9 – 11/2019. Đơn cử như tại Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tổng đàn gia cầm tại khu vực Đồng Nai tăng đột biến do người nuôi heo bỏ sang nuôi gia cầm. Riêng đàn gà đã đạt tới 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so thời điểm cuối năm ngoái.

Hay tại Hà Nội, theo ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội: Tổng đàn gà của thành phố hiện vào khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so cùng kỳ năm trước, giá gà công nghiệp giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến các hộ chăn nuôi. Tính sơ bộ nếu mỗi trang trại nuôi 10.000 con, với giá bán 12.000 – 14.000 đồng/kg thì người nuôi sẽ lỗ khoảng 200 – 250 triệu đồng khi xuất chuồng…

Cũng về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Nguyên nhân lớn nhất là do nguồn cung tăng đột biến. Trước tình hình ASF diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gà công nghiệp vì thời gian nuôi chỉ mất 35 – 42 ngày. Do vậy, trong một thời gian ngắn, tổng đàn gia cầm cả nước đã tăng 462 triệu con, trong đó riêng gà là 358 triệu con, tăng 13% so cùng kỳ năm 2018. Chẳng hạn như tỉnh Tiền Giang tăng 11,8% (với tổng đàn gia cầm 14,8 triệu con); Sóc Trăng tăng 12,61% (với tổng đàn gia cầm 7,7 triệu con)… Chính việc tăng đàn ồ ạt ở một số địa phương trong cùng một thời điểm đã dẫn đến cung vượt cầu, do đó giá tiêu thụ bị giảm sâu.

Đi tìm lời giải?

Có thể thấy chăn nuôi gia cầm Việt Nam trong những năm vừa qua đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị, đã coi khoa học công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng, và đã có được những bước đột phá trong khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, có thể nói rằng đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý hơn, có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản, cùng những giải pháp căn cơ, đã có những sản phẩm gia cầm có lợi thế, có tính cạnh tranh, tham gia xuất khẩu đi một số nước.

Việt Nam đã cơ bản làm chủ được công nghệ sản xuất con giống bố mẹ trong nước, đồng thời chọn lọc tạo ra được một số dòng có năng suất và chất lượng cao, nên các giống gia cầm phát huy mạnh trong sản xuất đã trở thành nguồn thu nhập lớn cho người chăn nuôi.

Mặc dù vậy, việc hạn chế trong liên kết sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá bán giảm, người chăn nuôi thua lỗ. Đây là vấn đề không mới và trong thời gian qua, người nông dân ở nhiều vùng, miền trong cả nước đã phải trả giá cho cung cách làm ăn thiếu tính toán dài hơi này.

Người nuôi gia cầm vẫn luôn đứng trước nỗi lo thua lỗ. Ảnh: Tất Sơn

Để giải “bài toán” này, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho rằng: “Trong chiến lược phát triển của chúng ta không nên tăng ồ ạt về sản lượng mà nên đi sâu vào chất lượng, giống như xu thế của thế giới là đầu tư vào nuôi gà tiêu chuẩn, gà chất lượng cao, gà có giá trị gia tăng cao thì khi đó mới đem lại lợi nhuận và giúp bà con tránh được câu chuyện được mùa mất giá như hiện nay”.

Song song với đó, nhiều chuyên gia  cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hướng đến mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp là hướng đi tin cậy, là cách để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, “giải thoát” người chăn nuôi gia cầm khỏi tình trạng mất ăn, mất ngủ mỗi khi “rơi giá”. Do đó, việc cần làm ngay lúc này là tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang các mô hình liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín cung ứng sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó là tạo thêm các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp có sản phẩm gia cầm xuất khẩu mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm… Đây là việc phải làm trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

Mặt khác, tổng đàn gia cầm hiện nay đã tăng, nhưng so với bình quân đầu người thì vẫn thấp, do vậy, ngoài việc mở rộng chăn nuôi một cách bài bản, có quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ thì việc gia tăng thị phần thịt gà lên 25% (hiện nay là 20% đến 21%) và giảm thị phần thịt heo là định hướng cần thiết để ngành chăn nuôi phát triển cân đối, theo kịp xu thế tiêu dùng…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp, cần có định hướng kịp thời, nhất là trong bối cảnh ngành chăn nuôi có những diễn biến bất thường để người dân không lúng túng, xác định được hướng đầu tư dài hạn. Ngành chăn nuôi cần căn cứ vào quy hoạch, dự báo về sức tiêu thụ của thị trường để khuyến cáo người chăn nuôi nên đầu tư theo hướng nào. Tránh việc để người dân tính toán theo thói quen, kinh nghiệm dẫn đến đầu tư tự phát…

Hướng đến mô hình chuỗi liên kết giá trị, “buôn có bạn, bán có phường”, từ bỏ cung cách chăn nuôi thiếu tính toán căn cơ sẽ góp phần quan trọng giúp người chăn nuôi gia cầm nói riêng và nông dân nói chung tránh được tình trạng “được mùa rớt giá” bấy lâu nay.

>> Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, sản xuất gia cầm của nước ta sẽ có tăng trưởng về số lượng, ước tính đến năm 2020 tăng khoảng 5,5 đến 6%/năm và đến năm 2025 sẽ tăng 4,5 – 5%/năm. Bên cạnh đó, tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp dự báo sẽ tăng lên khoảng 50% và tăng 55% vào năm 2025. Trong đó, gà lông màu duy trì ở mức 60 – 65%, tỷ lệ gà đẻ trứng thương phẩm khoảng 20 – 25%. Riêng về sản phẩm chăn nuôi cũng có mức tăng trưởng cao khoảng 7%/năm từ nay đến năm 2025, tương ứng với tỷ trọng thịt gia cầm sẽ tăng dần lên 30%.

Thảo Nguyên