Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn
Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của gia đình ông Ngô Đình Chiểu, ngụ ấp 4 xã Suối Ngô, huyện Tân Châu (Tây Ninh) là một điển hình. Ông Chiểu là người đi đầu trên địa bàn trong việc nuôi vịt đẻ trên cạn thành công nhất.
Xã Suối Ngô là một xã biên giới, nằm về phía Đông Bắc huyện Tân Châu, có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài 10,5km. Trên địa bàn xã có 7 ấp, với tổng diện tích tự nhiên trên 15.600 ha, dân số 3.600 hộ với trên 12.200 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng các loại cây thế mạnh như: mía, mì, cao su và một số hộ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm…
Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Suối Ngô phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân, một số hộ vươn lên làm giàu. Cũng từ phong trào này, xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có mức thu nhập ổn định.
Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của gia đình ông Ngô Đình Chiểu.
Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của gia đình ông Ngô Đình Chiểu, ngụ ấp 4 xã Suối Ngô là một điển hình. Ông Chiểu là người đi đầu trên địa bàn trong việc nuôi vịt đẻ trên cạn thành công nhất.
Ông Nguyễn Minh Đăng Lợi- Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Ngô cho biết: “Mô hình vịt đẻ trên cạn của ông Ngô Đình Chiểu bước đầu đạt hiệu quả. Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được dịch bệnh, thu nhặt trứng dễ dàng. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu mô hình cho các hội viên khác học tập để áp dụng, góp phần phát trển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình”.
Nuôi vịt đẻ trên cạn là mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giải quyết những hạn chế của các phương pháp chăn nuôi truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Theo ông Ngô Đình Chiểu, nuôi vịt đẻ trên cạn dễ chăm sóc, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường.
“Tôi thực hiện mô hình này được 8 năm, nuôi vịt đẻ trên cạn có 3 ưu điểm, thứ nhất là quản lý được bệnh tật; thứ hai là không bị thất thoát trứng; thứ ba là do mình thay nước hằng ngày nên việc nhiễm bệnh rất ít”- ông Chiểu chia sẻ.
Nuôi vịt theo mô hình truyền thống đòi hỏi người nông dân phải có ao nuôi rộng, hoặc chăn thả ngoài đồng nên rất dễ bị hao hụt. Mặt khác, dễ phát sinh dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
Nuôi vịt trên cạn không cần nuôi theo mùa vụ. Người nông dân có thể nuôi quanh năm và chủ động khu vực nuôi để thuận tiện quản lý. Bên cạnh đó, hạn chế dịch bệnh lây lan cho đàn vịt. Thuận tiện cho việc thu gom trứng, dọn dẹp vệ sinh.
Theo tính toán của ông Chiểu, nuôi vịt đẻ trên cạn có lợi nhuận cao hơn nuôi gà. Ông Ngô Đình Chiểu cho biết thêm: “Nói chung lợi nhuận cũng tương đối, giá thức ăn hơi cao, nhưng vẫn có lời. Tôi nuôi 1.000 con, mỗi ngày thu 800 trứng, giá bán như hiện nay thì một ngày lời được 800 ngàn đồng. Nuôi vịt đẻ trên cạn dễ hơn nuôi gà, bỏ vốn một lần, thu hoạch đến 4 năm và nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch 5 năm. Tôi dự định mở thêm một khu để nuôi khoảng 1.500 con”.
Ông Ngô Đình Chiểu (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo Hội Nông dân huyện, xã tại trang trại nuôi vịt đẻ trên cạn.
Nuôi vịt đẻ trên cạn tiết kiệm được nguồn thức ăn. Vịt đẻ trứng tập trung, thuận tiện cho việc thu gom. Đặc biệt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khi nuôi vịt trên cạn ông Chiểu đã áp dụng đệm lót sinh học để lót chuồng.
Đệm lót sinh học ông làm từ vỏ trấu để tiết kiệm chi phí. Vỏ trấu khi đem về ông phơi thật khô và sát trùng kỹ trước khi cho vào chuồng để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, mầm bệnh. Lót lớp trấu có độ dày từ 10cm – 15cm.
Trong suốt quá trình nuôi khoảng 2 tháng xịt khử khuẩn một lần để tiêu diệt mầm bệnh, vi sinh vật phát triển, bảo đảm sức khoẻ cho đàn vịt và giảm mùi hôi từ phân vịt. Nếu lớp trấu bị xẹp ông bổ sung một ít trấu mới lên trên và chỉ thay vỏ trấu 6 tháng một lần. Trấu thay ra ông làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Phía bên ngoài khu vực nuôi vịt, ông xây tường rào và quây bằng lưới thép B40 để dễ quan sát và quản lý đàn vịt. Cạnh chuồng nuôi ông làm một hồ nước sạch để cung cấp nước cho đàn vịt. Nước được thay thường xuyên mỗi ngày để tránh bị ô nhiễm. Xung quanh hồ nước ông tráng xi măng và lót gạch vỉa hè để tiện cho việc vệ sinh. Máng ăn được đặt bên ngoài khu vực hồ nước tránh để vịt làm ẩm ướt thức ăn.
Ông Nguyễn Văn Thượng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Châu cho biết: “Mô hình nuôi vịt đẻ trên cạn của ông Nguyễn Đình Chiểu đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Sắp tới Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Nông dân xã Suối Ngô tổ chức cho các hội viên nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho bà con”.
Theo kinh nghiệm của ông Ngô Đình Chiểu, nuôi vịt đẻ khác với các mô hình nuôi vịt thương phẩm hướng thịt, nuôi vịt đẻ phải theo dõi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhất là nuôi vịt đẻ trên cạn.
Sau mỗi ngày phải điều chỉnh lượng thức ăn, hàm lượng dinh dưỡng, tỷ lệ phối trộn thức ăn để vịt đẻ trứng đạt tiêu chuẩn. Nhu cầu thức ăn của vịt đẻ lấy trứng phải chú ý tăng cường các loại thức ăn khô, giàu đạm và rau xanh.
Chí Thành
Nguồn: Báo Tây Ninh