Hà Giang: Nuôi gà và cá thu nhập cao
Mô hình chăn nuôi gà theo quy mô trang trại và phát triển nuôi cá của anh Phạm Văn Toàn, thôn Sang Phàng, xã Đồng Hà, huyện Quản Bạ được đánh giá có hiệu quả và đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình giữa vùng quê còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Có duyên với nghề
Sau nhiều năm mày mò tự học cách chăn nuôi trên các tài liệu chuyên môn, qua sách báo và tự tìm tòi, học hỏi tại các mô hình chăn nuôi gà và cá thành công trên địa bàn của huyện, anh Toàn đã đầu tư xây dựng trang trại để phát triển chăn nuôi gà. Bên cạnh đó, do gần trang trại của gia đình có nguồn nước suối chảy quanh năm, anh Toàn đã thuê đào trên 2.500 m2 mặt nước và xây thành 3 ao nuôi được ngăn cách với nhau bằng đường bê tông kiên cố; giữa các ao được thông với nhau bằng các cống có thể đóng mở khi cần thiết.
Anh Toàn cho biết: Sau khi đã có chút ít kinh nghiệm về chăn nuôi gà và nuôi cá, từ đầu năm 2017, anh đã bỏ vốn tích cóp của gia đình và vay thêm anh em bạn bè để đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà rộng gần 1.000 m2 có lưới B40 bao quanh và thuê đào trên 2.500 m2 mặt nước để nuôi cá với tổng kinh phí gần 170 triệu đồng. Trong đó, số tiền đầu tư gần 25 triệu đồng để mua 1.000 con gà với 3 loại giống là gà xương đen, gà lai chọi và gà ta thuần chủng. Với các loại cá, gia đình nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, cá trôi Ấn Độ và cá lăng, cá mè hoa…
Anh Phạm Văn Toàn bên một góc trang trại chăn nuôi gà của gia đình
Riêng các loại gà đều thuộc giống gà của địa phương do anh Toàn tự đi mua trứng của bà con tại các xã lân cận trong vùng sau đó về tự ấp và nhân giống. Sau hơn 6 tháng, khi đã phát triển chăn nuôi gà thành công, ngoài chăn nuôi để bán gà thịt, anh Toàn còn ấp trứng để bán gà giống cho bà con trong vùng. Năm 2017, từ tiền bán gà thịt và gà giống, anh Toàn đã lãi gần 85 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư. Từ năm 2018 đến nay, anh Toàn tiếp tục mở rộng quy mô đàn gà và chủ yếu tập trung vào phát triển đàn gà thương phẩm.
Đối với các loại giống cá, anh Toàn đều mua từ Trung tâm Thủy sản của tỉnh. Thức ăn của cá chủ yếu là các loại rau, cỏ trong trang trại và do gia đình tự chế biến từ các loại bột ngô, cám gạo, giun quế, ốc bươu vàng, cá tạp… do gia đình thu mua của bà con quanh vùng. Trong nuôi cá, anh Toàn thực hiện phương châm “đánh tỉa thả bù”, tức là khai thác loại các nào thì thả bù loại cá cùng loại. Đến cuối năm 2017, từ tiền bán cá, anh Toàn đã thu về số tiền 65 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư
Thu nhập ổn định
Theo anh Toàn: Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm anh xuất bán gà được 2 đợt gồm cả gà giống và gà thịt được tổng số tiền khoảng 180 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, trong trang trại có khoảng 80 con gà mái chuyên đẻ và ấp trứng để tạo giống gà con. Đối với nuôi cá, trong một năm gia đình thường khai thác thành 2 lứa và thả bù cá giống cùng loại. Cũng từ năm 2018 đến nay, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 70 triệu tiền bán cá sau khi đã trừ chi phí đầu tư.
Khi được hỏi về bí quyết chăn nuôi, anh Toàn cho biết: Muốn phát triển chăn nuôi gà và cá thành công thì khâu trước tiên người chăn nuôi phải hiểu biết kỹ thuật chăn nuôi tối thiểu như công tác phòng tránh dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại và ao nuôi… Riêng đối với nuôi gà, khi gà con mới nở phải có kỹ thuật chăm sóc riêng và có thể cho ăn thức ăn công nghiệp để gà mau lớn; khi gà có trọng lượng khoảng 0,3 kg/con thì phải dừng cho ăn thức ăn công nghiệp để cho ăn ngô, lúa, rau cỏ như gà chăn nuôi hoang dã để gà có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá. Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng thịt gà trong trang trại thì người chăn nuôi cần cho gà ăn thêm thức ăn có nguồn gốc từ động vật như giun quế, cá nhỏ, ốc bươu vàng…
Từ những thành tích trong phát triển chăn nuôi gà và cá, anh Phạm Văn Toàn đã vinh dự được Hội Nông dân huyện Quản Bạ bầu chọn đi dự Hội nghị Báo cáo về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang trong tháng 8/2019.