Gương sáng thanh niên nông thôn
Trong số 57 nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc vừa được Trung ương Đoàn TNCSHCM trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI-2021, Đồng Nai có 1 đại biểu đoạt giải thưởng là anh Lê Phi Long, ở ấp 9, xã Bình Sơn (H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCSHCM trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.
Đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ làm nghề chăn nuôi heo nên từ nhỏ anh Long đã có hứng thú với nghề chăn nuôi. Năm 2006, anh đăng ký học thú y tại Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, anh Long xin vào làm việc tại các trại heo ở H.Trảng Bom để có thêm kinh nghiệm.
Anh Lê Phi Long chăm sóc trại gà sau giờ làm ở xã. Ảnh: N.Sơn
Với mong muốn trở về đóng góp, tìm cơ hội để khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, sau 3 năm làm việc bên ngoài, anh Long về làm nhân viên thú y của xã Bình Sơn. Anh Long chia sẻ, xã Bình Sơn xưa nay được coi là thủ phủ nuôi gà ta với số lượng hộ chăn nuôi khá lớn. Trong khi đó, anh lại chỉ có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi heo. Để có thể làm tốt chức trách, nhiệm vụ của một nhân viên thú y, anh Long đã tự mày mò học hỏi từ sách vở, từ thực tế chăn nuôi gà của các hộ trên địa bàn xã.
Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh nhận định, anh Nguyễn Phi Long là thanh niên có ý chí, có mong muốn tự làm giàu cho bản thân, giúp ích cho cộng đồng. Quan trọng hơn, từ những kinh nghiệm có được, anh đã và đang chia sẻ cho người dân, thanh niên để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn. Đặc biệt, tấm gương của anh Long đã góp phần truyền cảm hứng cho đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp. |
Năm 2017, từ nguồn vốn của gia đình, anh Long mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà. Tuy nhiên, anh Long cũng như các hộ chăn nuôi gà khác trên địa bàn xã đều phải đối mặt với quy luật “được mùa, mất giá”, đầu ra phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, anh nhận thấy có hiện tượng lạm dụng kháng sinh tại một số trại gà. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi mà quan trọng hơn là sản phẩm thịt gà khi đưa ra thị trường còn tồn dư kháng sinh sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm sạch, an toàn.
Vì lẽ đó, anh bắt đầu tìm hiểu về các giải pháp chăn nuôi gà sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bắt gặp mô hình chăn nuôi gà sinh học – sử dụng các chế phẩm sinh học làm nền tảng cho quy trình chăn nuôi.
Theo mô hình chăn nuôi sinh học, đệm lót mà anh Long sử dụng là lớp trấu dày được trộn thêm men vi sinh giúp hút ẩm, khử mùi, giảm bệnh hen khẹc ở gà. Quy trình chăn nuôi hạn chế sử dụng kháng sinh và thay vào đó là chế phẩm sinh học và acid hữu cơ giúp hệ tiêu hóa của gà khỏe mạnh.
Điều đặc biệt, chăn nuôi gà theo mô hình này giúp giảm công lao động, chi phí thuốc thú y, gà tăng trưởng tốt hơn, giảm chi phí đầu vào và đặc biệt là hạn chế được tình trạng tồn dư kháng sinh trong thịt gà, an toàn cho người sử dụng. Hiện anh đang thí điểm cho gà sử dụng cao an xoa để hạn chế các bệnh về gan cho gà, tạo sức đề kháng, từ đó hạn chế các loại bệnh khác.
Từ trang trại với số lượng 500 con gà đến nay, anh Long đã mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại lên 4 ngàn con gà, cho doanh thu 1,3 tỷ đồng/năm. Sau khi đoạt giải ba cuộc thi Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) năm 2020 do Tỉnh đoàn tổ chức, anh đã hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà sinh học và đang nhân rộng mô hình này bằng cách thành lập HTX Chăn nuôi sinh học của xã với 7 thành viên.
Đóng góp vào sự phát triển của địa phương
Không chỉ làm nhân viên thú y của xã Bình Sơn, anh Long còn được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nông dân xã. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, anh Long đã có nhiều đóng góp cho ngành Nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi của địa phương.
Trong đó, anh đã tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực tế tại địa phương; tuyên truyền, phổ biến chuyên môn, nghiệp vụ thú y cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, với kiến thức, kỹ năng có được, anh đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy trình sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, thú y, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Tham gia xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người dân thực hiện các quy định phòng bệnh cho động vật…
Với vai trò Giám đốc HTX Chăn nuôi sinh học của xã Bình Sơn, anh Long đã và đang đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, chất thải chăn nuôi được xử lý hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của HTX Chăn nuôi sinh học, anh Long đã và đang tập hợp các hộ chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi sinh học; định hướng phát triển, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi sinh học và cùng tìm đầu ra cho sản phẩm gà chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Không dừng lại ở đó, với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, anh Long còn đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn ấp 9. Bên cạnh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do tổ chức Đoàn cấp trên tổ chức, thông qua mô hình phát triển kinh tế, anh cũng thu hút được đoàn viên thanh niên, nhất là đoàn viên thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi. Anh tích cực vận động đoàn viên thanh niên đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương bằng các hoạt động thiết thực như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn…
Cá nhân anh Long còn đóng góp cho địa phương thông qua các hoạt động an sinh xã hội. Trong năm 2021, anh đã trực tiếp vận động các thành viên HTX chăn nuôi sinh học đóng góp kinh phí hỗ trợ, giúp cho các hộ bớt khó khăn trong đại dịch.
Nga Sơn
Nguồn: Báo Đồng Nai