Góc nhìn tổng quát những hoạt động thú y cơ sở
Chăn nuôi gia cầm là ngành sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận kinh tế cao nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật chuyên ngành, nhanh nhạy và chính xác. Trong bài viết này, xin được giới thiệu góc nhìn tổng quát hoạt động thú y cơ sở để đưa hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn dịch bệnh và đạt hiệu quả cao. Thực hiện tốt chuỗi hoạt động cơ bản này sẽ giúp chủ doanh nghiệp phát huy tiềm năng vốn có của doanh nghiệp và phát triển một cách an toàn và bền vững.
- Xây dựng kế hoạch chu chuyển đàn
Phụ trách thú y cơ sở được tham gia trong xây dựng kế hoạch chu chuyển đàn. Bao gồm thời gian nhận đàn giống, số lượng, nhận giống từ đâu; nuôi ở khu nào. Khu nuôi hậu bị, khu nuôi gà sinh sản. Từ kế hoạch chu chuyển đàn liên quan đến công tác thú y như chuẩn bị vệ sinh khu vực nuôi, thời gian trống chuồng, vệ sinh, sát trùng, lập kế hoạch thuốc thú y, vac-xin, tiêm phòng, thuốc sát trùng…
- Chương trình vệ sinh chuồng trại
Lịch vệ sinh chuẩn bị chuồng trại là vô cùng quan trọng để đảm bảo mọi yếu tố an toàn vệ sinh trước lúc nhận đàn gà nuôi.
(1) Chương trình chuẩn bị chuồng nuôi mới;
(2) Chương trình chuẩn bị chuồng nuôi từ đàn trước đã hết thời kỳ sử dụng. Tất cả đều được tiến hành theo đúng qui trình của cơ sở.và được kiểm tra đánh giá sau mỗi đợt;
(3) Lịch kiểm tra thực hiện công tác vệ sinh hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.
- Xây dựng lịch dùng thuốc và vac-xin phòng bệnh.
Từ kế hoạch chu chuyển đàn làm cơ sở để xây dựng lịch dùng thuốc, tiêm phòng cho đàn gà nuôi trong cơ sở. Lịch dùng thuốc, tiêm phòng được xây dựng và bổ sung hàng năm theo diễn biến thực tế về dịch bệnh. Từ kế hoạch chu chuyển đàn, lịch dùng thuốc, tiêm phòng, kiểm tra số lượng thuốc, vac-xin, dụng cụ tiêm phòng, nhân lực …
- Đánh giá rủi ro cơ sở chăn nuôi
Phân tích các yếu tố rủi ro của cơ sở chăn nuôi từ đó nhận diện và đề ra giải pháp
(1) Môi trường, điều kiện của cơ sở chăn nuôi;
(2) Đặc diểm cơ sở chăn nuôi và đàn gia cầm;
(3) Yếu tố con người;
(4) Phương tiện vận chuyển;
(5) Chim hoang, thú cảnh và côn trùng;
(6) Hệ thống xử lý xác chết, chất thải.
- Giám sát sức khỏe đàn gia cầm
Theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi vô cùng quan trọng.
(1) Biến động đầu con;
(2) Tiêu thụ thức ăn, nước uống;
(3) Sức đẻ, tăng trọng;
(4) Biến động kháng thể, khả năng đáp ứng miễn dịch sau dùng vac-xin;
(5) Kiểm tra dấu hiệu qua lâm sàng, mổ khám;
(6) Kiểm tra phi lâm sàng, hàm lượng kháng thể, mẫu bệnh phẩm, mẫu nước, thức ăn khi có nghi ngờ. Phối hợp thật tốt giữa kiểm tra lâm sàng và gửi mẫu xét nghiệm chọn phòng xét nghiệm uy tín, thuận lợi cho cơ sở mình.
- Khi có dấu hiệu nghi bệnh
Qua kiểm tra đàn gà có dấu hiệu bất thường như giảm ăn, giảm đẻ trong đàn có nhiều con ủ rũ, lờ dờ. Thú y trực thực địa nhanh chóng xác định chuồng nuôi, loại gà và kiểm tra chi tiết sổ theo dõi biến động thức ăn trong mấy ngày qua, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ hao hụt chết hoặc loại. Xem xét có dấu hiệu về lâm sàng, đường hô hấp hay đường ruột hay không? Nếu nằm trong tầm kiểm soát thì xử lý theo kinh nghiệm chuyên môn. Nếu vượt tầm kiểm soát, cần tâp trung hội chẩn và đưa ra hướng xử lý thích hợp. Gửi mẫu xét nghiệm theo hướng nghi bệnh vi trùng hay siêu vi trùng. Lưu ý trường hợp kết quả xét nghiệm từ phòng xét nghiệm chức năng có kết quả bệnh nguy hiểm được cảnh báo theo luật thú y phải thực hiện khẩn cấp cách ly bao vây ổ dịch, tùy mức độ giám đốc công bố dịch bệnh và thực hiện các biện pháp khẩn cấp theo luật định.
- Hệ thống theo dõi
(1) Sổ nhật ký thú y ghi chép tổng hợp hoạt động thú y diễn ra hàng ngày;
(2) Lịch dùng thuốc, tiêm phòng;
(3) Sổ theo dõi biến động đàn gà;
(4) Sổ mổ khám;
(5) Sổ theo dõi thuốc và vac-xin;
(6) Theo dõi dịch bệnh tổng hợp.
- Lịch làm việc
Xây dựng lịch làm việc cho mỗi thành viên, lịch họp nội bộ
(1) Lịch kiểm tra môi trường, vệ sinh (khu vực nuôi, kho nguyên liệu, thiết bị, bể nước, kho thuốc, vac-xin hạn dùng);
(2) Lịch gửi mẫu xét nghiệm định kỳ đột xuất;
(3) Lịch tham gia hội thảo;
(4) Chương trình bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.
TS. Phan Văn Lục