Giải thưởng sẽ thu hút nhiều đối tượng tham gia

Đó là ý kiến chia sẻ của ông Trần Duy Khanh (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam với phóng viên Người Chăn nuôi về giải thưởng “Chất lượng vàng sản phẩm chăn nuôi gia cầm Việt Nam 2016” do Hiệp hội phối hợp tổ chức.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời, ý nghĩa của Giải thưởng “Chất lượng vàng Sản phẩm chăn nuôi  gia cầm Việt Nam 2016” được tổ chức trong thời gian tới?

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất. Trước những khó khăn, thách thức đó, rất cần sự nỗ lực của toàn ngành để vượt qua “sóng gió” và càng cần hơn sự cổ vũ, khuyến khích, động viên, khích lệ của Nhà nước, xã hội đối với các doanh nghiệp, chủ trang trại, người chăn nuôi, chế biến sản phẩm gia cầm… trong cả nước.

Được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam tổ chức chương trình bình chọn và trao tặng danh hiệu “Chất lượng vàng Sản phẩm chăn nuôi gia cầm Việt Nam 2016” nhằm tôn vinh những sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm tốt nhất, bảo vệ môi trường tốt nhất, và năng lực cạnh tranh cao nhất của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi… trên lãnh thổ Việt Nam; khẳng định chất lượng và năng lực của ngành chăn nuôi Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu; khẳng định thương hiệu của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo khoa học và kỹ thuật, không ngừng nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; góp phần đẩy mạnh ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công.

Giải thưởng sẽ tôn vinh những sản phẩm chất lượng tốt nhất

Là Danh hiệu mới trong ngành, điều này thu hút đối tượng tham gia ra sao, thưa ông? Ông kỳ vọng gì vào giải thưởng lần này?

Ngành chăn nuôi gia cầm đã góp phần đáp ứng thỏa mãn nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng và chất lượng thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhưng ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng, chăn nuôi nói chung là ngành sản xuất đang gặp nhiều khó khăn và rủi ro nhất, chăn nuôi quy mô nông hộ (nhỏ lẻ) vẫn là chủ yếu (khoảng 75%), các sản phẩm của ngành chăn nuôi thường xuyên có mặt hàng ngày trong mỗi gia đình, nhưng chưa được xã hội tôn vinh, đánh giá đúng mức và thường chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.

Chương trình là dịp để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… trong ngành tự khẳng định mình, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trước người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Tôi tin giải thưởng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… trong ngành tham gia.

Việt Nam lợi thế về quy mô gia súc, gia cầm, nhưng ngành còn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Theo ông, Danh hiệu có là lúc để doanh nghiệp, ngành nhìn nhận lại vị trí, hoạt động của mình?

Việt Nam có tổng đàn gia súc, gia cầm nằm trong top 10 thế giới, đàn lợn lớn thứ 4 trên thế giới. Ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng thỏa mãn nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước mà đích hướng tới là xuất khẩu sản phẩm gia cầm Việt Nam, khảng định thương hiệu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Ngành chăn nuôi ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, như: chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao, chi phí đầu tư cao, thiếu liên kết, đầu ra kém ổn định, chưa giải quyết triệt để dịch bệnh… nên sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam còn rất thấp khi hội nhập… Vì vậy, tổ chức bình chọn và trao tặng danh hiệu “Chất lượng vàng Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam 2016” là lúc để doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước có dịp nhìn nhận lại chất lượng sản phẩm của mình, từ đó tự hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội, người tiêu dùng trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để Danh hiệu được tổ chức ý nghĩa, hiệu quả lan tỏa, theo ông, cần có sự tham gia của các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp thế nào?

Đây là lần đầu tiên, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức chương trình cho những sản phẩm: Con giống, sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản phẩm chế biến, chuồng trại, mô hình tổ chức chăn nuôi… của các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước. Vì vậy, rất cần sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT, sự phối hợp của Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cục, vụ, viện, trung tâm thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội, Sở NN&PTNT các tỉnh thành phố, doanh nghiệp, người chăn nuôi trong cả nước… để chương trình thành công.

Hướng tới xây dựng thương hiệu ngành chăn nuôi, theo ông, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể và khả thi như nào để nâng cao sức cạnh tranh và ứng phó với khó khăn trên?

Việc xây dựng thương hiệu ngành chăn nuôi Việt Nam cần được tập trung đẩy mạnh theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên nâng cao chất lượng con giống và xây dựng hành lang pháp lý để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành. Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống gia cầm tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống gia cầm tốt nhất, nhằm từng bước giúp sản phẩm chăn nuôi gia cầm của Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn.

Hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong chăn nuôi để nâng cao vị thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan nhà nước, các tổ chức hiệp hội trong chuỗi giá trị để kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Nhà nước cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý ổn định sản xuất khi hội nhập quốc tế.

>  “Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp chăn nuôi, nhằm tạo được giá trị gia tăng mới, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp và tất cả các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi Việt Nam” – ông Trần Duy Khanh nhấn mạnh.

Dương Thảo