Giải pháp kiểm soát dịch bệnh leucosis trên gia cầm

Sáng 28/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) phối hợp với Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế tổ chức Hội thảo “Chia sẻ tình hình dịch bệnh Leucosis và giải pháp kiểm soát bệnh, tiến tới loại trừ bệnh Leucosis trên các đàn gà giống”.

Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết của người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh leucosis trên đàn gia cầm, tiến tới loại bỏ bệnh trên đàn gà giống.

Theo TS. Phan Văn Lục, Tổng Thư ký VIPA, Leucosis là bệnh do virus Retroviridae, tạo khối u ở gà trên 16 tuần tuổi. Hiện, bệnh Leucosis chưa có thuốc điều trị và vaccine nên hướng phòng tốt nhất là loại trừ mầm bệnh trên đàn giống và thực hiện các chăn nuôi an toàn sinh học. Gà nhiễm bệnh có một số triệu chứng như: Kém ăn, yếu, phân lỏng, mất nước và gầy. Gà bệnh gầy xác xơ trước khi chết. Tỷ lệ chết do khối u khoảng 2%, nhưng thiệt hại, loại thải cao, sức sản xuất giảm 20%.

Ở Việt Nam, bệnh Leucosis được quan tâm kể từ sau những năm 1970. Việc khống chế bệnh tốt nhất là kiểm soát bệnh từ các đàn giống. Các đàn giống ông bà cụ kỵ được kiểm soát bằng chọn loc, loại thải những cá thể nghi bệnh. Đồng thời, thực hiện vệ sinh chuồng trại, dụng cụ nuôi…

Tại Hội thảo, TS. Pavel Trefil, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Gia cầm Cộng hòa Séc đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về phương pháp, cách phòng trị bệnh Leucosis trên đàn gia cầm. Dù bệnh không phổ biến trên đàn gia cầm, nhưng ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi, bởi hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh này cho vật nuôi. Cộng hòa Séc đã khống chế thành công bệnh Leucosis trên đàn gia cầm.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đã chia sẻ những nội dung khác liên quan tới bệnh Leucosis như con đường lây bệnh, phương pháp thụ tinh nào hạn chế lây bệnh, loại trừ gen bệnh trên đàn vật nuôi…

Kết luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA khẳng định, hiện, có 3 đường hạn chế lây bệnh là áp dụng qua chọn lọc gen (chọn lọc qua thí nghiệm) nhằm tầm soát để loại ra đàn giống dương tính với bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Về lâu dài, những cơ sở có được nguồn giống quý nên loại trừ nguồn gen bệnh của vật nuôi, loại ra dòng gen không nhiễm bệnh từ con giống gốc, việc này thực hiện trong thời gian khoảng 1,5 năm sẽ có kết quả, tuy nhiên sẽ tốn kém về tài chính, nên các doanh nghiệp nên cân nhắc thực hiện.

Một số hình ảnh tại Hội thảo