Giá thịt gà rẻ kỷ lục
Cách đây khoảng 2 tháng, giá gà công nghiệp sau nuôi bán ra chỉ còn 19.000 đồng/kg (trước đó giá thành là 24.000 – 25.000 đồng/kg), khiến các hộ nuôi nhấp nhổm lo lắng.
Vào thời điểm giữa tháng 10, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông màu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ dao động mức 25.000 – 25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Mức giá này đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9 năm 2019 (16.000 – 18.000 đồng/kg) – là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh.
Còn tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000 – 37.000 đồng/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nguyên nhân là do khi ASF lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi heo ở khu vực Đông Nam bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt heo, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có ASF do sự chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt heo sang thịt gà vẫn hạn chế, nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố sẽ tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Thành phố khuyến khích các hộ chăn nuôi gà công nghiệp nhưng theo hướng gia công cho các công ty nước ngoài để bảo đảm đầu ra thuận lợi và tránh những tác động tiêu cực khi giá xuống thấp.
Mặt khác, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà, các địa phương phải xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ, truy xuất đối với nguồn gốc thịt nhập khẩu nhằm giám sát về chất lượng sản phẩm, ngăn chặn loại hàng cận hoặc đã hết hạn sử dụng; chống bán phá giá, kiểm soát tốt không để lây lan nguồn dịch bệnh.
Theo Thế giới Gia Cầm