Giá gia cầm hôm nay 9/12: Giá gà, vịt đi ngang, gà, vịt hay bị lật ngửa, chữa trị như thế nào?
Giá gia cầm hôm nay 9/12 tại các vùng không có biến động. Giá vịt thịt hôm nay giao dịch tại các vùng miền Bắc và miền Nam có dấu hiệu chững lại; giá gà công nghiệp tại các vùng ngang bằng nhau…
Giá vịt thịt hôm nay: Chững lại
Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều chủ trang trại cho biết, giá vịt thịt hôm nay tại các vùng không có biến động mà vẫn giữ ở mức vừa phải.
Giá vịt thịt tại các vùng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… phổ biến ở mức từ 32.000 đồng đến trên dưới 35.000 đồng/kg, tùy loại.
Giá vịt bầu cánh trắng bán tại một số vùng ở Phú Thọ, Yên Bái…. cao nhất đạt 36.000 đồng/kg.
Giá vịt bơ có vùng chỉ bán được dưới 30.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá vịt thịt ở các vùng phía Nam phổ biến vẫn ở mức gần 40.000 đồng/kg.
Giá vịt trắng siêu thịt nuôi thả vườn tại các tỉnh Đồng Nai, Long An… bán tốt được 39.000 đồng/kg.
Giá vịt xiêm có nơi bán được trên 60.000 đồng/kg.
Giá ngan thịt ổn định ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg, ngan non trắng cao nhất mới được trên 50.000 đồng/kg.
Giá gà thịt hôm nay: Gà ta Sơn Tây được giá cao nhất
Trong số các loại gà, gà ta Sơn Tây đang bán giá cao nhất, có nơi được gần 80.000 đồng/kg.
Giá gà mía lai bán buôn ở các vùng Bắc Giang, Hà Nội … từ 52.000 đồng đến 54.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp hôm nay dao động từ 26.000 đồng đến 29.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp lông trắng tại các vùng miền Nam vẫn chững ở mức trên 30.000 đồng/kg.
Cách phòng, trị bệnh lật ngửa trên gà, vịt
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Nam, cán bộ kỹ thuật tại một công ty chăn nuôi ở Thanh Hóa cho hay: Hội chứng lật ngửa trên gà, vịt là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây bệnh cho gà, vịt ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây tỷ lệ chết tương đối cao, làm con vật phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất.
Theo anh Na, bệnh lật ngửa này cũng có thể xảy ra ở các loài gia cầm như vịt đẻ, vịt thịt, ngỗng và gà đẻ. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, qua trung gian truyền bệnh là muỗi; lây truyền ngang thông qua việc nuốt phải, hít phải vật bị truyền nhiễm; hoặc từ vùng dịch này sang vùng dịch kia.
Để phòng bệnh lật ngửa, anh Nam lưu ý người chăn nuôi cần kiểm soát, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; định kỳ phun sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần; phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh trang trại, bãi chăn thả, khơi thông cống rãnh; định kỳ phun thuốc diệt bọ gậy, ruồi muỗi trong và ngoài khu vực chuồng trại.
Đồng thời, tăng cường sức đề kháng, trợ lực cho vịt bằng cách bổ sung thường xuyên vitamin, điện giải, khoáng, men tiêu hóa.
“Cách phòng bệnh tốt nhất là tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng vaccine. Hiện, vaccine Tembusu đã có mặt tại Việt Nam. Tiêm vaccine cho vịt vào lúc 7 ngày tuổi, trước đẻ 1 tháng. Ðối với vịt con thời gian vào vaccine 8 – 10 ngày tuổi, liều lượng 0,3 ml/con; đối với vịt đẻ, thời gian vào vaccine Tembusu trước khi đẻ 1 tháng, liều lượng 1 ml/con”, anh Nam nói.
Khi gia cầm đã bị bệnh nguy hiểm này, anh Nam khuyến cáo người nuôi bệnh này không có phương pháp điều trị đặc hiệu.
Tuy nhiên, bà con cần điều trị bằng thuốc bổ, đồng thời, tăng cường sức đề kháng, trợ lực cho vịt bằng cách bổ sung thường xuyên vitamin, điện giải, khoáng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn, nước uống. Sử dụng kháng sinh phòng các bệnh kế phát.
Dân Việt