Giá gia cầm hôm nay 22/12: Giá vịt thịt tăng, Hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo thị trường gia cầm 2022
Khảo sát giá gia cầm hôm nay 22/12, chúng tôi thấy giá vịt thịt ở các vùng miền Bắc có xu hướng tăng, giá gà công nghiệp vẫn không có biến động. Theo dự báo của Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2022 tiếp tục là năm khó khăn của ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm.
Giá vịt thịt hôm nay: Vịt thịt miền Bắc tăng nhẹ
Theo thông tin từ một số thương lái thu mua vịt thịt ở Hà Nội, Hưng Yên…, giá vịt thịt hôm nay đang có xu hướng tăng.
Giá vịt bầu cánh trắng bán tại trại ở các vùng Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định… cao nhất đạt 40.000 đồng đến 41.000 đồng/kg.
Giá vịt bơ loại từ 3,3kg/con trở lên bán buôn tại trại đạt trên dưới 36.000 đồng/kg.
Giá vịt trời ổn định ở mức từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá vịt siêu thịt bán ra tại các vùng phía Nam phổ biến từ 33.000 đồng đến gần 40.000 đồng/kg,tùy vùng.
Giá vịt xiêm bán tốt được trên 60.000 đồng/kg.
Giá vịt siêu trứng bán thịt từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg.
Trao đổi với với chúng tôi, ông Phạm Văn Mạnh, thương lái ở Hà Nội cho hay: Mấy ngày gần đây việc tiêu thụ vịt thịt thuận lợi hơn do nhu cầu tiêu dùng cho thị trường lễ Noel và Tết Dương lịch.
Giá gà thịt hôm nay: Không có biến động
Giá gà công nghiệp hôm nay bán buôn tại các vùng miền Bắc vẫn giữ ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg.
Giá gà lông trắng loại từ trên 3,3kg/con bán tại trại ở Thái Nguyên, Bắc Giang cao nhất đạt 31.000 đồng/kg.
Giá gà trắng bán tại các vùng phía Nam phổ biến vẫn ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg.
Giá gà ta thả vườn loại 1 bán buôn ở các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội cao nhất mới được 75.000 đồng/kg.
Giá gà ta lai nuôi trên 4 tháng bán cho thương lái từ 51.000 đồng đến 55.000 đồng/kg.
Năm 2022, người chăn nuôi gia cầm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Chia sẻ tại tọa đàm và bình chọn 10 sự kiện nông nghiệp tiêu biểu 2021 do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 22/12, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi thì năm 2022 tiếp tục sẽ là năm khó khăn của ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Nguyên nhân là do giá vật tư đầu vào dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
“Điều này cũng phụ thuộc vào mặt bằng nông sản thế giới tăng, khi giá gạo, ngô, đậu tương cũng đang tăng phi mã. Chúng ta lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhiều nên chắc chắn việc giảm giá đầu vào là rất khó. Chưa kể, giá trị trường các sản phẩm chăn nuôi sẽ không tăng mạnh như giá đầu vào nên khó khăn là điều nhìn thấy rõ”, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Dương, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã có nhiều tác động lên ngành chăn nuôi, làm đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành, đồng thời, tác động làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp, có giai đoạn có loại vật nuôi chỉ bán được 25-30% giá thành như gà công nghiệp lông trắng.
Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như: siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.
Cũng theo ông Dương, thực tế, do ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều, nhất là khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi ứ đọng quá tuổi. Đặc biệt các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp trắng, gà lông màu và lợn tiêu thụ được khoảng 70%”, ông Dương nói.
Dân Việt