Gia cầm Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ quốc tế?
Dựa trên dữ liệu thị trường thịt gia cầm toàn cầu trong 20 năm qua (2002 – 2022) và các dữ liệu liên quan khác, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra các dự báo về thị trường trong 10 năm tới (2023 – 2032) với nhiều thông tin đáng quan tâm. Cơ hội nào cho ngành gia cầm Việt Nam?
Bức tranh toàn cầu 10 năm tới
Vẫn giữ vị trí dẫn đầu
Trong 2 thập kỷ qua, gia cầm đã và đang trở thành mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và mới nổi, nơi có ngành chăn nuôi gia cầm chưa phát triển mạnh. Thịt gia cầm dự kiến vẫn là mặt hàng chăn nuôi nhập khẩu lớn nhất thế giới tính theo khối lượng trong 10 năm tới. Tổng nhập khẩu các mặt hàng chăn nuôi, bao gồm thịt gia cầm, thịt heo và thịt bò đã tăng 118% từ năm 2002 – 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2032. Theo dự báo của USDA, đến năm 2032, tổng lượng thịt nhập khẩu sẽ đạt 48,4 triệu tấn, trong đó thịt gia cầm sẽ đạt 18,6 triệu tấn, thịt heo sẽ đạt 15,2 triệu tấn và thịt bò dự kiến đạt 14,6 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu thụ tăng cao
Vòng đời của gia cầm, đặc biệt là gà ngắn hơn, nên thời gian giết thịt sớm hơn so các vật nuôi khác. Mặt khác chuyển đổi thức ăn thành thịt hiệu quả hơn so với heo và đại gia súc. Ngoài ra, gia cầm có thể được nuôi trong không gian nhỏ, có thể nuôi ở nhiều môi trường khác nhau. Những lợi thế này giúp chăn nuôi gia cầm trở nên dễ dàng hơn, giá cả phải chăng hơn so với thịt heo và thịt bò, đặc biệt phù hợp với nông dân ở các nước đang phát triển và mới nổi. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh hơn so với tốc độ sản xuất trong nước nên tại một số khu vực phải nhập khẩu thịt gia cầm với khối lượng lớn. Ví dụ, tại khu châu Phi cận Sahara, nhu cầu thịt gia cầm đã tăng từ 69,8 triệu tấn năm 2002 lên gần 129,8 triệu tấn vào năm 2022 (tăng gần 86%, trung bình 3%/năm). Tuy nhiên, trong 10 năm qua, tốc độ tăng nhu cầu đã chậm lại ở mức 2%/năm và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định cho đến năm 2032. Số liệu của FAO cho thấy, các nước đang phát triển luôn dẫn đầu về tốc độ tăng tiêu thụ thịt gia cầm trong 10 năm qua. Tây Phi, Trung Quốc tăng 5%; Bắc Phi, Đông Nam Á tăng 4%; Mexico, Nam Mỹ tăng 3%… Tốc độ tăng tại các khu vực này dự kiến sẽ ổn định trong 10 năm tới, qua đó có ảnh hưởng quyết định đến thị trường nhập khẩu thị gia cầm toàn cầu.
Ngoài các yếu tố trên, còn có một số yếu tố khác làm tăng nhu cầu đó là GDP quy đổi bình quân đầu người ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng nhanh trong thời gian qua. Khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng đã mua nhiều protein động vật hơn, trong đó thịt gà là lựa chọn hàng đầu. Tốc độ tăng dân số và xu hướng đô thị hóa ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi như Đông Nam Á và châu Phi khiến dân cư ở khu vực này ngày càng đông đúc, vì thế cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các loại thịt nói chung và gia cầm nói riêng ngày càng tăng.
Châu Phi sẽ tăng mạnh nhập khẩu
Từ năm 2002 – 2022, nhập khẩu gia cầm tăng nhiều nhất ở châu Phi cận Sahara, từ 0,4 triệu tấn lên 1,99 triệu tấn. Các nước Mỹ Latinh và Caribe có mức tăng nhập khẩu lớn thứ 2 với 1,17 triệu tấn. Khu vực Trung Đông, dẫn đầu là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq cũng có mức tăng nhập khẩu tương tự với các nước Mỹ Latinh và Caribe. Ngược lại, nhập khẩu gia cầm của Nga giảm 1,22 triệu tấn trong 20 năm qua, nguyên nhân chính là do Nga đã hạn chế hạn nhập khẩu nhằm chống lại sự suy giảm sản xuất trong nước sau bùng phát dịch cúm gia cầm.
Trong 10 năm tới, khối lượng nhập khẩu thịt gia cầm dự kiến sẽ tăng 24%. Dự báo các khu vực có mức tăng mạnh nhất vẫn là các nước đang phát triển như Trung Quốc và Hồng Kông (+37%), Mỹ Latinh và Caribe (+36%), khu vực châu Phi cận Sahara sẽ nhập 2,75 triệu tấn/năm (+27%); trong đó Nam Phi, Ghana và Angola là các quốc gia sẽ nhập khẩu chiếm trên 50% toàn khu vực, Mexico (+21%), khu vực Trung Đông (+18%). Sở dĩ các nước châu Phi tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu là vì nhu cầu nội địa tăng mạnh trong khi chăn nuôi bị giảm sút do tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Trước năm 2002, Ghana và Angola có ngành chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, nhưng cuộc nội chiến kéo dài 26 năm ở Angola cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi và năng lượng tăng cao ở cả 2 quốc gia đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể sản lượng gia cầm.
Brazil sẽ là nhà xuất khẩu hàng đầu
Ba nhà xuất khẩu gia cầm lớn nhất theo khối lượng là Brazil, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chiếm 71% xuất khẩu gia cầm thế giới vào năm 2022 và dự đoán sẽ giảm dần thị phần trong thời gian tới. Bốn khu vực xuất khẩu chính khác gồm các nước châu Mỹ Latinh khác, các nước châu Á bao gồm Thái Lan và các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ chiếm 19% xuất khẩu gia cầm thế giới vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng nhẹ giai đoạn tới. Xuất khẩu gia cầm của Brazil tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2002 – 2022 và đã giành danh hiệu nhà xuất khẩu gia cầm lớn nhất thế giới vào năm 2007. Có nhiều yếu tố thuận lợi giúp Brazil tăng xuất khẩu, trong đó phải kể đến nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước rất lớn và tăng trưởng liên tục đã giúp nước này tăng quy mô chăn nuôi gia cầm. Vì vậy, Brazil được dự đoán vẫn sẽ là nước xuất khẩu gia cầm hàng đầu thế giới, có thể lên tới 5,2 triệu tấn vào năm 2032. Mặc dù mất một số thị phần xuất khẩu vào tay Brazil song Mỹ vẫn là nước xuất khẩu gia cầm lớn thứ 2 và dự kiến sẽ giảm nhẹ thị phần từ 26,2% năm 2022 xuống còn 23,8% vào năm 2032.
Brazil sẽ tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gia cầm hàng đầu thế giới trong 10 năm tới. Ảnh: AFP-JIJI
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam đến cuối năm 2022 dự kiến đạt gần 552 triệu con (đứng thứ 30 trên thế giới), với sản lượng thịt hơi đạt khoảng hơn 2 triệu tấn. Dự báo trong 10 năm tới, với tốc độ tăng 5%/năm, số lượng đàn sẽ đạt gần 800 triệu con, sản lượng khoảng 3,3 triệu tấn.
Theo statista, tiêu thụ thịt gia cầm bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 là 16,5 kg/người/năm, 17,22 kg/người/năm vào năm 2022 và lên mức 20,3 kg/người/năm đến năm 2029. Như vậy nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm trong nước có tăng nhưng chỉ ở mức hơn 1,2%/năm. Điều này đồng nghĩa với việc năm 2032 Việt Nam vẫn thừa khoảng trên 1 triệu tấn thịt gia cầm. Chính vì vậy, con đường duy nhất để giải quyết bài toán dư thừa đó là xuất khẩu. Nhìn vào thị trường tiêu thụ và xuất nhập khẩu thịt gia cầm toàn cầu 10 năm tới, cùng với đánh giá các điều kiện hiện tại, Việt Nam có một số thuận lợi và khó khăn sau:
Thuận lợi
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước có nhu cầu nhập khẩu cao tại khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Caribe và Trung Đông… Vì vậy nếu có sự ủng hộ của hai chính phủ, việc hợp tác để xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn.
Phần lớn các nước có nhu cầu nhập khẩu nhiều thịt gia cầm đều là các nước đang hoặc chậm phát triển, vì vậy chưa đòi hỏi cao về mặt chất lượng so với các nước phát triển như châu Âu, Mỹ hoặc Nhật Bản… Mặt khác hàng rào bảo hộ mậu dịch của các nước này thông qua thuế, phí cũng nhẹ nhàng hơn các nước phát triển, vì vậy hàng hóa Việt Nam dễ thâm nhập vào các thị trường này.
Các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI ngày càng mở rộng quy mô, cải tiến công nghệ, qua đó cho phép cung cấp lâu dài và ổn định khối lượng lớn hàng hóa với giá cả phải chăng.
Khó khăn
Việt Nam vẫn chưa có hiệp định thương mại với hầu hết các nước châu Phi, các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe, vì vậy sẽ không có nhiều ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về thuế quan nên sẽ giảm sức cạnh tranh của sản phẩm so với các nước xuất khẩu khác.
Phần lớn các nước có nhu cầu cao về nhập khẩu thịt gia cầm đều là thị trường khá xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam nên hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thiếu thông tin về các thị trường này. Mặt khác khoảng cách tương đối xa dẫn tới chi phí vận chuyển có thể tăng cao.
Để giải quyết khó khăn trên, ngoài sự quyết tâm, quyết liệt và chủ động từ các doanh nghiệp chăn nuôi và xuất khẩu thịt gia cầm còn cần sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, đặc biệt là các cơ quan thương mại đặt tại sứ quán mỗi nước.
• Nhập khẩu thịt gia cầm toàn cầu dự kiến sẽ tăng và đạt 18,6 triệu tấn vào năm 2032.
• Châu Phi, cận Sahara sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gia cầm lớn nhất. Ngược lại, Brazil tiếp tục là nước xuất khẩu gia cầm hàng đầu thế giới trong 10 năm tới.
• Việt Nam sẽ dư thừa khoảng trên 1 triệu tấn thịt gia cầm và có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Phi và một số thị trường mới nổi khác.
GS.TS Nguyễn Duy Hoan
Giảng viên Cao cấp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên