Gia cầm 2021: Khẳng định sứ mệnh

Năm 2020 khép lại là một năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành gia cầm Việt Nam với việc giá cả luôn nằm dưới giá thành sản xuất, người dân lao đao. Nhưng nhờ có những điều chỉnh kịp thời, ngành gia cầm vẫn đứng vững.

Biểu tượng cho cái mới và sự thành công

Mỗi năm Tết đến xuân về, người dân Việt Nam làm thờ cúng tổ tiên bằng con gà trống. Tranh gà Hàng Trống và tranh gà Ðông Hồ vốn là vật không thể thiếu được để treo trong ngày Tết. Tranh gà biểu trưng cho cái mới, cho dương, mang đến sức mạnh, sự thành công.

Nếu trong cuộc sống, con gà là biểu tượng cho sự thành công thì trong ngành nông nghiệp, con gà cũng được xem là một trong những vật nuôi đáng được quan tâm hơn cả. Chính vì thế, trong các lễ hội ở châu Âu không thể thiếu thịt gà, ngành gà ở Mỹ rất phát triển, còn Thái Lan thì cực kỳ chú trọng xuất khẩu gà.

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia kinh tế tiết lộ: “Trong các hiệp định thương mại tự do thì việc ký kết xuất nhập khẩu gia cầm, đặc biệt là mặt hàng gà bao giờ cũng là phần quan trọng, phải thảo luận nhiều nhất, vì tất cả các nước đều muốn bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm của mình”.

Năm 2020 đánh dấu một năm hội nhập sâu của nền kinh tế, với nhiều hiệp định thương mại quốc tế được thực thi. Nền chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ tự cung tự cấp trên thị trường nội địa hướng dần sang xuất khẩu với những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản thời gian gần đây. Song năm 2020, ngành gia cầm đã hứng chịu “cơn bão” nhập khẩu gia cầm, đặc biệt nhập khẩu gà từ các nước. Một lãnh đạo của Tập đoàn C.P. Việt Nam cho biết: “Lượng gà nhập khẩu có những thời điểm tương đương với lượng gà công nghiệp trong nước cung ứng cho thị trường!”.

Dịch bệnh tả heo châu Phi nổ ra, những tưởng giá gia cầm sẽ tăng, nhiều hộ gia đình chuyển từ nuôi heo sang nuôi gà. Song, tình trung bình 12 tháng, giá bán của mặt hàng gà không vượt được giá thành sản xuất. Bởi vậy, dư luận và nhiều chuyên gia đánh giá năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành gà Việt Nam.

ngành gia cầm 2021

 

Nhiều giải pháp ổn định

Trước tình hình giá gia cầm, đặc biệt giá gà giảm sâu, trong năm 2020, Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp vĩ mô và vi mô nhằm bảo vệ ngành gà trong nước, trong đó có chủ trương điều chỉnh mức tăng trưởng, không để cung vượt cầu. Bởi vậy, những tháng cuối năm, giá gà khá ổn định.

Có dư luận cho rằng trong hội nhập quốc tế, một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam lợi thế, điển hình như thủy sản, nên thiệt thòi sẽ rơi vào ngành gia cầm (?!). đến nay đã có gần 2.000 công ty của 24 quốc gia và vùng lãnh thổ được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm động vật vào Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Mỹ có 479 công ty, Pháp 172, Nhật Bản 152, Australia 130, Italia 121 và Brazil cũng có tới 86 công ty…

Trước thông tin một số quốc gia đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gia cầm, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã kịp thời có công văn kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm để “cứu” ngành chăn nuôi trong nước.

Ước tính sản lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2019 khoảng 250.000 – 260.000 tấn, tăng hơn 50% so với năm 2018. Quý I/2020, sản lượng nhập khẩu thực phẩm gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm đã tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.Trong đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ (chiếm 65%), Hàn Quốc 14%, Brazil 9,9%, Hà Lan 4,44% và Ba Lan 3,56%… Tổng lượng thịt nhập khẩu các loại (thịt heo, gà, gia súc, dê, cừu) trong năm 2020 là trên 321.000 tấn (bằng 6% so với tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong nước).

Nhờ sự lên tiếng kịp thời của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam và người dân, sự điều chỉnh kịp thời của các cấp nên ngành chăn nuôi gia cầm đã có sự điều chỉnh về chiến lược và tập trung nhiều vào việc “trấn giữ” thị trường nội địa trong những tháng cuối năm. Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cũng có đề án đưa trứng gà vào trường học.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tổng kết năm 2020, tổng số gia cầm khoảng 520 triệu con (tăng 6,2%); sản lượng trứng đạt 14,5 tỷ quả, tăng khoảng 9,5% so với năm 2019.

 

2021: Tăng tốc

Theo lãnh đạo Tập đoàn C.P. Việt Nam thì theo kinh nghiệm của Thái Lan, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ thị trường trong nước và đặc biệt tập trung vào xuất khẩu.

Cục Chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 khoảng 5 – 6%, trong đó thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%).

Nhận định của Cục Chăn nuôi, tình hình sản xuất chăn nuôi trong năm 2021 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, song Bộ, Cục sẽ tập trung chỉ đạo triển khai giải pháp phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sữa, thịt gia cầm, yến và tơ tằm.

Năm 2020, đón nhận làn sóng đầu tư vào ngành gia cầm. Những ngày cuối năm 2020, C.P. Việt Nam đã khánh thành tổ hợp chế biến thịt gà lớn nhất Ðông Nam Á tại Bình Phước với mức đầu tư lên tới 250 triệu USD trong giai đoạn đầu. Tổ hợp có khả năng chăn nuôi, giết mổ và chế biến 100 triệu con gà mỗi năm, dự kiến chỉ trong vòng 3 năm, tổ hợp này sẽ chế biến gần 1/5 tổng đàn gia cầm cả nước. Mục tiêu chính của C.P. Việt Nam chính là xuất khẩu sản phẩm gà Việt Nam ra thị trường toàn thế giới.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Phát triển Chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 với mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu từ 20 – 25% thịt và trứng gia cầm.

Những giải pháp cần được thực hiện triệt để thời gian tới chính là hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi…

Ðặc biệt, trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo là dần phá thế độc tôn của thịt heo, đa đạng sản phẩm chăn nuôi trên thị trường, trong đó đặc biệt chú tâm phát triển sản phẩm gia cầm. Phấn đấu đến năm 2025 thịt gia cầm sẽ chiếm từ 26 đến 28%,  đến năm 2030 đạt từ 29 đến 31% tổng sản lượng của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Từ những thực tế của sự phát triển xã hội, trong đó vai trò ngành gia cầm ngày càng được khẳng định, đồng thời để giữ thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu, ngành gia cầm Việt Nam đang đứng trước những cơ hội, những sứ mệnh lịch sử mới. Tin rằng năm 2021, ngành gia cầm Việt Nam sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc để khẳng định vị trí của mình, đồng thời cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý nhất cho khách hàng trong nước và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Mức độ thành công của ngành nông nghiệp  được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Năm 2021, ngành nông nghiệp cần tiếp tục chủ trương, tinh thần biến “nguy cơ thành thời cơ”, tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế. Nguy cơ là thời tiết cực đoan nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi. Thời cơ lớn là thị trường đang mở rộng với các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP. Cho nên, chúng ta phải gỡ thể chế để ngành nông nghiệp vươn lên. Tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra trước khi sản xuất. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Chỉ tiêu GDP ngành phải giữ được ở mức 3%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phấn đấu đạt 44 tỷ USD…

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến: Dù vẫn còn nhiều lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành như kỳ vọng nhưng trên tổng thể nền kinh tế, trong năm 2020, ngành chăn nuôi đã đạt được những thành tựu to lớn chưa từng có trong lịch sử, đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế chung của đất nước.Trong năm 2021, ngành chăn nuôi coi việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên.Một nhiệm vụ quan trọng khác là phải hoàn thiện xây dựng 5 đề án chiến lược cho ngành chăn nuôi Việt Nam theo Ðề án Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Nguyễn Anh