Gia cầm 2020 – Chặng đường gian khó

Sản lượng thịt gia cầm năm 2020 chỉ đạt gần 137 triệu tấn, tăng 2,4% so mức 134 triệu tấn của năm 2019 và chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng năm 2018. Dịch bệnh trên vật nuôi, Covid-19 và hạn hán kéo dài là nỗi ám ảnh của ngành gia cầm năm qua.

Tăng trưởng chậm

Theo FAO, sản lượng thịt gia cầm toàn cầu tăng gần 48,9 triệu tấn từ năm 2005 đến 2020. Trong đó, sản lượng của các nước đang phát triển ước đạt gần 26 triệu tấn vào năm 2020. Năm qua, nhu cầu tiêu thụ gia cầm tại khu vực này vẫn ổn định do giá thịt heo đắt đỏ. Theo FAO, sản xuất gia cầm trong thập kỷ tới sẽ chậm lại so với thập kỷ trước đó với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2029 ước 1,1%, giảm so mức 2,7% trong giai đoạn 2010 – 19. Dù vậy, số lượng gia cầm nuôi vẫn được kỳ vọng tăng 1,5% vào thập kỷ tới.

sản lượng thịt gia cầm 2020

Xét ngắn hạn và dài hạn, Brazil, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ chiếm gần 60% tổng sản lượng thịt toàn cầu tới năm 2029. Tại Mỹ, sản lượng thịt gia cầm theo dự báo của Bộ nông nghiệp (USDA) đạt hơn 50 tỷ pound vào năm 2020, gồm thịt gà tây và các loại gà khác và chỉ tăng nhẹ lên 51 tỷ pound vào năm 2021. Brazil tiếp tục là quốc gia sản xuất gia cầm chính của thế giới nhờ lợi thế về nguồn lợi tự nhiên như thức ăn dồi dào, công nghệ chăn nuôi nâng cao năng suất và tỷ giá hối đoái. USDA dự báo sản xuất gia cầm tại Brazil giảm nhẹ từ 13,96 triệu tấn vào năm 2019 xuống gần 13,83 triệu tấn tới cuối năm 2020. Dù vậy, Brazil vẫn là nước cung cấp thịt gia cầm lớn nhất vào thập kỷ tới trong khối Mỹ Latin.

Ấn tượng ngành trứng

Sản xuất trứng gia cầm toàn cầu tăng trưởng hơn 100% trong 30 năm qua. Theo FAOSTAT, nước cung cấp trứng lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Ðộ và Mexico với sản lượng lần lượt đạt 458 tỷ, 109 tỷ, 95 tỷ và 57,4 tỷ trứng vào năm 2018. Mỹ cũng tăng sản lượng trứng gần 30% vào giai đoạn 2003 – 2019, theo USDA. Riêng sản lượng trứng năm 2019 của Mỹ đạt 6.400 triệu tá. Trong khi đó, sản lượng trứng của châu Âu theo EC dự báo sẽ tăng gần 7% từ 2020 – 2030, đạt gần 7.674 triệu tấn vào năm 2030. Mexico, một “ông lớn” khác trong ngành trứng gia cầm dù phải vật lộn với Covid-19 nhưng sản lượng năm 2020 vẫn đạt 3 triệu tấn, tăng nhẹ so mức dự báo mới nhất của USDA.

Trên thế giới, tiêu thụ trứng vẫn đang tăng do người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao giá trị dinh dưỡng của sản phẩm này. Tại châu Âu, tiêu thụ trứng bình quân tăng 0,1% trong giai đoạn 2008-19 nhưng dự kiến tăng 0,7% từ 2019 đến 2030. USDA dự báo lượng tiêu thụ trứng tại Mỹ đạt gần 290 triệu trứng/người vào năm 2020. Trước Covid-19, tiêu thụ trứng hàng năm tăng trên 2% so năm trước và duy trì suốt 50 năm liền, theo Emily Metz, Chủ tịch Hiệp hội trứng gia cầm Mỹ. Mỹ kỳ vọng xuất khẩu 335 triệu tá trứng vào năm 2021. Về dài hạn, tiêu thụ trứng của Mỹ dự kiến tăng lên 8.967 triệu tá vào năm 2029. Từ khủng hoảng cúm gia cầm vào năm 2015, giá trứng gia cầm cũng giảm.

sản lượng trứng gia cầm 2020

Xu hướng tiêu thụ trứng tại châu Á cũng diễn biến tương tự. Tại Nhật Bản, tiêu thụ trứng hàng năm đã tăng 3,5% so với thập kỷ trước từ 325 đến 337 quả/năm, theo báo cáo tháng 11/2020 của tạp chí Poultry International. Trong vùng thành thị Trung Quốc vào năm 2018, tiêu thụ trứng bình quân theo đầu người đạt 10,8 kg.

Cú hích từ các nước đang phát triển

Châu Á chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất thịt gia cầm năm 2019 và 2020, theo FAO. Tuy nhiên, những vùng truyền thống như Bắc Mỹ vẫn duy trì vị trí nhà phân phối lớn, tiếp đến là các nước ở Nam Mỹ và châu Âu. Tới năm 2029, FAO dự báo các nước phát triển sẽ tăng sản xuất gần 11% trong khi các nước đang phát triển tăng gần gấp đôi lên 20% so cùng kỳ.

Hơn 1 thập kỷ tới, OECD và FAO đều dự báo sản xuất thịt toàn cầu nói chung sẽ tăng gần 40 triệu tấn, đạt 366 triệu tấn vào năm 2029; trong đó 80% lượng tăng này nhờ vào các quốc gia phát triển. Trong tổng số này, gia cầm vẫn là sản phẩm chính, với sản lượng hơn 125 triệu tấn trung bình giai đoạn 2017 – 2019, tăng gần 146 triệu tấn vào năm 2029. Với chế độ ăn thay đổi, đặc biệt tại các nước đang phát triển, tiêu thụ gia cầm dự kiến tăng suốt khoảng thời gian này.

thị trường gia cầm thế giới 2020

Thịt gia cầm tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng sản xuất thịt toàn cầu nhờ ưu thế chi phí sản xuất thấp hơn các loại thịt khác, chu kỳ nuôi ngắn hơn, tỷ lệ biến đổi thức ăn cao và giá sản phẩm hợp lý hơn tại nhiều khu vực. Các nước đang phát triển tiếp tục dẫn đầu về nhập khẩu thịt gia cầm do khẩu phần ăn thay đổi và người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm sản phẩm protein dinh dưỡng cao và giá cả phù hợp hơn. Nhập khẩu tại các nước đang phát triển sẽ đạt 11.278 nghìn tấn vào năm 2029 so mức 4.5405 nghìn tấn của các nước phát triển. Dù vậy, xuất khẩu thịt gia cầm từ các nước này theo ước tính của OECD cũng tăng trưởng từ mức trung bình 7.319 nghìn tấn trong giai đoạn 2017 – 2019 lên 8.635 nghìn tấn tới năm 2029, vượt xa tăng trưởng của các nước phát triển.

Nhìn chung, nhập khẩu thịt gia cầm thế giới theo dự kiến của FAO đạt gần 16 triệu tấn vào năm 2029 và xuất khẩu đạt gần 17 triệu tấn. Thương mại thịt gia cầm tiếp tục vững mạnh và sản phẩm này cũng được dự báo sẽ thống trị thị trường thịt trong tương lai, bất chấp những tác động tiêu cực từ Covid-19.

>> Thịt gia cầm tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng sản xuất thịt toàn cầu nhờ chi phí sản xuất thấp hơn các loại thịt khác, chu kỳ nuôi ngắn, tỷ lệ biến đổi thức ăn cao và giá bán thấp hơn. Những cải tiến về di truyền gen, sức khỏe vật nuôi và thực hành quản lý tiếp tục tạo thuận lợi cho sự phát triển của sản xuất và tiêu thụ gia cầm. Trong ngắn hạn, các hãng sản xuất gia cầm sẽ hưởng lợi nhờ tỷ lệ thịt – thức ăn thuận lợi và nhu cầu nhập khẩu thịt gia cầm đang tăng trên toàn cầu – FAO 2020

Tuấn Minh (Tổng hợp)