EVFTA: Chăn nuôi Việt Nam nỗ lực khẳng định

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là sự kiện được nhiều ngành hàng ngóng đợi, tuy nhiên, EVFTA lại khiến chăn nuôi Việt Nam thêm phần lo lắng, bởi phải làm gì để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi từ EU?

Áp lực tăng dần

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư địa thuế và thị trường trong nước của ngành chăn nuôi khá tốt cho các nước EU, nhưng ở chiều ngược lại, sức ép từ EVFTA đối với ngành chăn nuôi trong nước cũng không nhỏ.

Cụ thể, khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, 27% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau 3 – 7 năm. Về phía Việt Nam, sẽ xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ EU, 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch, số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 – 9 năm.

Chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước vẫn lớn. Ảnh: Vũ Mưa

Theo đánh giá, hiện kim ngạch nhập khẩu sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam chưa nhiều, nhưng tình hình có thể sẽ thay đổi rất nhanh khi thuế quan được cắt giảm. Đây là cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các sản phẩm chăn nuôi từ EU. Thế nhưng, đó lại là nỗi lo ngại lớn của doanh nghiệp và hộ chăn nuôi trong nước khi mà giá cả và chất lượng vẫn là điểm yếu của các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Đơn cử, hiện nay chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước vẫn rất lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Trong khi đó, mặt hàng thịt nhập khẩu từ EU dù phải chịu mức thuế 20 – 40% nhưng giá vẫn thấp hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại trong nước.

Còn với ngành sữa, sẽ cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước. Theo một chuyên gia trong ngành thì “cuộc chiến” này sẽ khá khốc liệt bởi lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU do chi phí sản xuất cao và năng suất trung bình thấp. Hơn nữa, các doanh nghiệp sữa trong nước gần như không được hưởng lợi từ EVFTA, vì các sản phẩm sữa của Việt Nam vẫn chưa được EU cấp phép. Chưa kể, người tiêu dùng Việt Nam luôn có tâm lý “chuộng” hàng ngoại. Tất cả tạo ra áp lực rất lớn đối với chăn nuôi Việt Nam, nhất là khi ngành hàng này vẫn manh mún và việc quản lý dịch bệnh, công nghệ chăn nuôi còn hạn chế…

Tận dụng cơ hội

Theo một chuyên gia kinh tế, khi EVFTA có hiệu lực, thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, các sản phẩm hàng ngày sau 5 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm. Hiện tại, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10 – 40%. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên, EVFTA cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ nghệ sản xuất và nguyên liệu, nhất là với mặt hàng sữa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, thói quen tiêu dùng cần thêm nhiều thời gian mới có thể thay đổi. Thời gian qua dù thịt heo nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều so với thịt nội địa nhưng người dân vẫn “chuộng” thịt nóng, thịt không quá nhiều nạc. Cũng theo ông Khánh, mức độ cạnh tranh trong ngành chăn nuôi khi EVFTA có hiệu lực được dự đoán ở mức độ vừa phải và đủ sức ép cho ngành chăn nuôi đổi mới nhưng không mạnh đến mức độ gây ra tổn thất lớn. Một số mặt hàng có lộ trình giảm thuế tới gần 10 năm, thậm chí hơn. Vậy nên, lộ trình đó đủ để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu.

Phải tăng tính tự chủ

Theo thông tin từ Bộ Công thương, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm 16 tỷ USD ngay trong 1 – 2 năm đầu tiên so với trước đây; tới năm 2028 sẽ tăng thêm tới 75 – 76 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của chăn nuôi đến năm 2025 là dự đoán sẽ vào khoảng 4% đối với thịt heo, gia súc, gia cầm.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, để được hưởng mức thuế ưu đãi, hàng hóa từ Việt Nam phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn rất cao. Đây là thử thách rất khó, trong bối cảnh Việt Nam đang là nền kinh tế gia công. Với ngành chăn nuôi thì mảng con giống, thức ăn, thuốc thú y gần như phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo ông Phạm Bình Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh, rất khó để có giải pháp chung cho tất cả các ngành hàng, thế nên mỗi doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu những nội dung liên quan đến lĩnh vực mà mình kinh doanh để có phương án tận dụng hiệu quả.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năng lực của doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều hạn chế, điều kiện tiếp cận các phương thức hỗ trợ về tài chính, công nghệ so với doanh nghiệp nước ngoài cũng khó khăn hơn. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện thêm về môi trường pháp lý, đầy đủ và minh bạch nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Đồng tình với nhận định này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu Hiệp định, tùy vào đặc thù sản phẩm doanh nghiệp và lượng sức trong khả năng nắm bắt cơ hội. Nếu không thể tự làm, doanh nghiệp có thể chủ động tìm đến công ty tư vấn thay vì trông chờ Nhà nước hướng dẫn. Cùng đó, để nắm bắt cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ.

>> Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chúng ta cần tập trung cho những doanh nghiệp lớn có công nghệ cao và tiềm lực đi trước, nhằm tạo ra sự lan tỏa đến các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; từ đó đưa ra lộ trình đưa các sản phẩm nông sản vào thị trường châu Âu. 

Phan Thảo