Dự báo thị trường thịt và trứng gia cầm toàn cầu đến năm 2030
Sản lượng thịt và trứng gia cầm tiêu thụ toàn cầu sẽ thay đổi khi dân số tăng trong thập kỷ tới. Dự báo vào năm 2021, sản lượng thịt gia cầm thế giới sẽ đạt 127,2 triệu tấn. Mặc dù, tốc độ tăng dân số của thế giới sẽ chậm lại, chỉ còn 1,02% mỗi năm trong 10 năm tới, nhưng với khoảng 8,3 tỷ người tăng lên sẽ cần thêm lương thực, thực phẩm vào năm 2030.
Tăng trưởng dân số thế giới chậm lại
Vào năm 2030, thế giới sẽ có khoảng 8,3 tỷ người và vào năm 2050, trái đất này sẽ là ngôi nhà chung của 9,3 tỷ người. Điều này có nghĩa là việc tăng 70% sản lượng lương thực, thực phẩm sẽ là cần thiết từ nay đến năm 2050 để theo kịp dân số toàn cầu ngày càng tăng, theo một bài thuyết trình được đưa ra bởi Carl Hausmann, giám đốc điều hành tại Bunge Ltd.
Sự gia tăng dân số sẽ cao nhất ở các nước đang phát triển. Dự báo tại các quốc gia này sẽ có khoảng 6,9 tỷ người vào năm 2030 và sẽ chiếm 85% dân số toàn cầu vào năm 2050. Do đó, tại các nước này sẽ chiếm phần lớn sự tăng trưởng nhu cầu đối với thịt và trứng gia cầm trong thời gian tới.
Trong số các quốc gia OECD, dự báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm tới, với hơn 4% mỗi năm. Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức khoảng 8% mỗi năm.
Tiêu thụ trứng ngày càng tăng ở các nước đang phát triển
Dự báo từ FAO cho thấy mức tiêu thụ trứng toàn cầu sẽ tăng từ 6,5 kg/người/năm trong năm 2000 lên 8,9 kg (khoảng 148 quả) /người/năm vào năm 2030 tại các nước đang phát triển. Ở các nước công nghiệp, tiêu thụ trứng được dự báo sẽ tăng từ 13,5 kg (khoảng 225 quả) /người/năm vào năm 2020 lên 14,8 kg (khoảng 247 quả) /người/năm vào năm 2030. Hơn 67% mức tiêu thụ trứng toàn cầu thuộc về các nước châu Á. Ở Trung Quốc, nơi tiêu thụ trứng cao hơn gấp đôi mức trung bình của các nước đang phát triển, mức tăng tiêu thụ từ 15 kg/người/năm (250 quả) trong năm 2000 lên 20 kg (333 quả)/người/năm vào năm 2030.
Dữ liệu bổ sung từ FAO cho thấy, sản lượng trứng của thế giới sẽ đạt 89,9 triệu tấn vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng 1,6% mỗi năm từ 2015 đến 2030. Trong tổng số các nước đang phát triển toàn cầu này sẽ sản xuất 69 triệu tấn trứng vào năm 2030.
Sự thay đổi trong thị trường thịt toàn cầu
Trên phạm vi toàn cầu, sản xuất thịt trong thập kỷ tới cũng sẽ chậm lại so với tốc độ tăng trưởng trước đó. Theo dự báo của FAO, sản xuất thịt toàn cầu sẽ tăng chậm từ mức tăng trung bình 2,2% mỗi năm trong thập kỷ trước xuống còn 1,8% mỗi năm, điều này chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil và Argentina, cũng như chi phí đầu vào tăng cao.
Sản xuất thịt gia cầm và thịt lợn với mức tăng tương ứng 14% và 5% mỗi năm, trong thập kỷ qua, được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình trong khoảng 2% mỗi năm đến năm 2025. Nhìn chung, các nước đang phát triển sẽ chiếm 77% tăng trưởng sản xuất thịt trong giai đoạn đến năm 2025. Sản xuất gia cầm sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh nhất (2,2% mỗi năm) so với các loại thịt khác và sẽ vượt qua thịt lợn vào cuối năm 2021 với sản lượng cao nhất. Đến năm 2021, sản lượng thịt gia cầm có thể sẽ đạt hơn 127,2 triệu tấn, so với gần 126 triệu tấn thịt lợn.
Cùng với nhu cầu cao về trứng, phần lớn lượng tiêu thụ thịt sẽ tập trung ở các nước châu Á và Thái Bình Dương, chiếm 56% mức tăng nhu cầu thịt toàn cầu trong giai đoạn 2010 -2021. Đến năm 2021, người tiêu dùng ở các nước phát triển sẽ chọn thịt gia cầm với tỷ lệ là 90% trong tổng lượng thịt tiêu thụ của họ, ngoại trừ ở các nước Đông Âu. Riêng ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tiêu thụ hàng năm khoảng 62% thịt gia cầm, 19% thịt lợn, 13% thịt bò và 6% thịt cừu. Dự báo tiêu thụ thịt gia cầm ở các nền kinh tế phát triển vào năm 2021 có thể sẽ đạt 44,7 triệu tấn, trong khi các nền kinh tế đang phát triển sẽ tiêu thụ khoảng 82,3 triệu tấn.
Tăng trưởng thương mại hàng năm về thịt gia cầm sẽ chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước đó, chỉ ở mức dưới 2%/năm đến năm 2030, so với mức bình quân 5,5%/năm trong thập kỷ qua. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng thương mại gia cầm sẽ là Hoa Kỳ và Brazil, chiếm gần 80% thương mại gia cầm thế giới trong giai đoạn 2021-2025. Tăng trưởng nhập khẩu cũng sẽ được dẫn dắt bởi các quốc gia ở Trung Đông, Đông Nam Á và Mỹ Latinh./.
TS. Nguyễn Thanh Sơn
Nguyên Viện trưởng Viện chăn nuôi Việt Nam