Dự báo dịch bệnh có thể tiếp tục lây lan

Đó là nhận định của ngành thú y tại Hội nghị “triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm (CGC) và các bệnh trên đàn gia súc” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 13/2.

Cụ thể, theo ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận các ổ dịch bệnh CGC tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến ngày 11/2, cả nước có 10 ổ dịch CGC do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại năm tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Hiện nay, cả nước có 9 ổ dịch CGC A/H5N6 chưa qua 21 ngày, bao gồm: ba ổ dịch tại Thanh Hóa; ba ổ dịch Nghệ An và một ổ dịch tại TP Hà Nội; hai ổ dịch tại Bắc Ninh.

Mặc dù CGC là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng; các ổ dịch CGC xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1 – 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục lây lan do tổng đàn gia cầm lớn, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, một số địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Về cúm A/H7N9, hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm phải đặc biệt chú trọng “phòng là chính”. Theo đó các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm phải được thực hiện quyết liệt và đồng bộ vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, cân đối cung cầu và đảm bảo an sinh xã hội.

Hương Ly