Doanh nghiệp, nông dân chăn nuôi lỗ gấp 10 lần Vietnam Airlines?

Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng giá heo hơi, giá gà giảm sâu khiến tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước năm 2021 dự kiến cao gấp hơn 10 lần khoản lỗ của Vietnam Airlines, tương đương 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên Cục Chăn nuôi cho biết vẫn chưa có thống kê cụ thể nên chưa thể kết luận.

Thực hư ngành chăn nuôi lỗ gấp 10 lần Vietnam Airlines

Theo khảo sát ngày 14/10, giá heo hơi 3 miền giảm sâu xuống mức 35.000 – 43.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với đầu năm.

 

Giá heo hơi tiếp tục giảm khi các tỉnh bắt đầu nới lỏng giãn cách. (Biểu đồ: Hoàng Anh)

 

Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam cho biết hiện giá bán heo đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg. Giá bán gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg.

 

Ngay cả trứng gà, mặt hàng từng nổi lên cơn sốt giá khi TP HCM đóng cửa nay cũng rớt giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả.

 

Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, heo cũng đang rơi vào bế tắc.

 

Mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 100.000 con gà các loại, 2.000 con heo và hơn 1 triệu quả trứng. Việc tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi đều đang lỗ, giá bán thấp hơn giá thành, nghĩa là doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề.

 

“Nếu dựa theo số liệu tiêu thụ 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm thì tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước trong năm 2021 dự kiến cao gấp hơn 10 lần khoản lỗ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố”, ông Phương nói.

 

Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý II cho thấy khoản lỗ sau thuế hợp nhất 8.585 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

 

Đại diện Emivest cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nông nghiệp lỗ nặng, còn thị trường dù có tiêu thụ ít đi nhưng không đáng kể.

 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là ước lượng mang tính chất cá nhân của đại diện Emivest. Trên thực tế, phản hồi về khoản lỗ tương đương 80.000 tỷ, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết mặc dù hiện nay ngành chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh khó chồng khó nhưng chưa có con số cụ thể về thiệt hại của ngành chăn nuôi.

 

“Tuy nhiên, chúng tôi không thể thống kê doanh nghiệp, nông dân lỗ bao nhiêu, nhiều hay ít hơn Vietnam Airlines vì đặc thù ngành chăn nuôi mang tính thời điểm, có lúc này, lúc kia”, ông Trọng nói.

 

Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi có thể được phân thành doanh nghiệp, HTX, trang trại, nông hộ. Do đó việc lỗ hay lãi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủ động thức ăn, giống, tổng đàn, tổng sản lượng.

 

Ngoài ra, hiện tổng đàn heo đang ứ đọng 30% cả về số lượng và khối lượng. Do đó rất khó để thống kê chính xác về thiệt hại của ngành ở thời điểm này.

 

Giá heo hơi giảm mạnh, nhiều trang trại lớn bắt đầu treo chuồng. (Ảnh: TTXVN)

 

Theo ông Trọng, nếu nuôi heo theo chuỗi, giá thành chỉ khoảng 43.000 – 45.000 đồng/kg, doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự được.

 

Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ phải nhập hoàn toàn con giống, thức ăn chăn nuôi… thì giá thành lên tới 60.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng.

 

“Ngành chăn nuôi những năm qua liên tục chứng kiến những cú trồi sụt. Bão giá 2017 kéo giá chạm đáy, dịch tả heo châu Phi bùng phát lại kéo giá heo lên đỉnh vào năm 2020.

 

Dịch bệnh ở cả người và động vật khiến ngành chăn nuôi có sự phát triển không đồng đều qua các năm, doanh nghiệp còn lấy năm này bù năm kia nhưng nông dân thì đang đuối lắm rồi”, ông Trọng cho biết.

 

Những cú sốc liên tiếp trong ngành chăn nuôi khiến số hộ chăn nuôi cá thể tính hết năm 2020, giảm 50%, còn khoảng 2 triệu hộ.

 

Dự báo trái chiều về nguồn cung thực phẩm cuối năm

 

Thông thường, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng khoảng 10 – 15%.

 

Song, trong bối cảnh đàn heo quá lứa tồn đọng 30% ở cả nông hộ và doanh nghiệp, hiện đang có những dự báo trái chiều về nguồn cung thịt heo, thịt gà vào cuối năm.

 

Ông Phương nhận định: “Từ nay đến tết âm lịch và sau tết, chúng ta không lo về thiếu thực phẩm bởi vì đàn heo tồn đọng đang khá nhiều”.

 

Riêng mặt hàng thịt gà sẽ dư thừa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn trứng và thịt gà sẽ thiếu nghiêm trọng vì hiện nay các công ty giống phải giảm đàn gà xuống để tránh lỗ.

 

Bên cạnh đó, khi các tỉnh mở cửa, doanh nghiệp sẽ đồng loạt thải ra lứa gà già, nguy cơ thiếu sản phẩm gia cầm sẽ càng báo động hơn.

 

Thực tế, ngành chăn nuôi không thể nào thoát ly khỏi tình hình chung của đất nước. Vì vậy, chừng nào đất nước mở cửa, kinh tế phục hồi, thị trường phát triển thì nhu cầu tiêu thụ mới cải thiện.

 

Các doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng không thiếu thịt heo cho Tết Nguyên đán. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

 

Không chỉ riêng đại diện Emivest cho rằng sẽ không thiếu thực phẩm vào dịp Tết, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cũng thông tin: “Cả Dabaco và C.P. Việt Nam đều đang có lượng lớn heo 33 – 34 tuần tuổi, phải bán nối tiếp 2 tháng mới hết số heo cũ.

 

Do đó, Cục Chăn nuôi cần xem xét việc cuối năm có thực sự thiếu nguồn cung không?”.

 

Nếu như doanh nghiệp cho rằng nguồn thịt heo không thiếu vào cuối năm thì các cơ quan nhà nước lại có dự báo ngược lại.

 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định đà giảm của giá heo hơi có thể kéo dài đến hết tháng 10 và sẽ bắt đầu tăng trở lại vào tháng 11.

 

Còn theo Cục Chăn nuôi, giá heo hơi đang trong xu hướng giảm giảm sâu dưới 40.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ lỗ nặng, tâm lý ngại tái đàn, dẫn đến nguy cơ Tết Nguyên đán sắp tới thiếu thịt heo cục bộ là rất cao.

 

Do đó, Cục khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục tái đàn, tăng đàn heo phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021.

 

Hoàng Anh – Doanh Nghiệp Niêm Yết