Dinh dưỡng gia cầm trong tương lai
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia cầm thế giới và trong nước đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều giống mới cho năng suất thịt và trứng rất cao. Sự thay đổi về nguyên liệu và sử dụng kháng sinh trong thức ăn đang xảy ra. Vì vậy, dinh dưỡng gia cầm cần thay đổi để đáp ứng sức sản xuất ngày càng cao của vật nuôi và sự thay đổi của quản lý.
Sử dụng enzyme ngoại bào
Ngày nay, giá nguyên liệu thức ăn gia tăng là trở ngại chính ở hầu hết các nước đang phát triển. Vì vậy, nguồn nguyên liệu thức ăn không truyền thống với giá rẻ đang được sử dụng để thay thế. Trở ngại về khía cạnh dinh dưỡng cơ bản là các nguồn nguyên liệu này chứa nhiều xơ phi tinh bột (NSP) và phytate. Các NSP và phytate không được tiêu hóa hoàn toàn bởi enzyme của gia cầm; trong đó, NSP không được tiêu hóa có thể hình thành chất keo làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng ở đường ruột.
Những tiến bộ trong công nghệ enzyme ngày càng nhiều đã tạo ra các dạng enzyme ngoại bào có hoạt tính cao, khả năng thích ứng với thay đổi nhiệt tốt, hoạt động trong phạm vi pH rộng của ruột. Hai nhóm enzyme ngoại bào đang được thương mại hóa đó là enzyme phân giải phytate (phytase) và nhóm enzyme thuỷ phân NSP (β-glucanase, xylanase, pectinase, β-mannanase..).
Bổ sung enzyme vào khẩu phần gia cầm có tác động tích cực đến khả năng tiêu hóa thức ăn và dẫn đến tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi cải thiện hơn. Hơn nữa, bổ sung các enzyme thương mại có thể làm tăng giá trị dinh dưỡng của các nguyên liệu thức ăn và khẩu phần. Nó cũng có tác dụng tiềm năng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do giảm thải một số nguyên tố như nitơ và phôtpho trong phân của gia cầm. Tuy nhiên, điều quan tâm chính là giá cả cao của các enzyme ngoại bào làm trở ngại đến sử dụng chúng.
Dinh dưỡng góp phần quan trọng trong sự phát triển vật nuôi – Ảnh: ST
Các chất thay thế kháng sinh trong thức ăn
Kháng sinh được bổ sung vào thức ăn nhằm cải thiện tăng trưởng của gia cầm thông qua ổn định khu hệ sinh vật đường ruột đã và đang được áp dụng ở nước ta. Do người tiêu dùng đang đòi hỏi an toàn của thực phẩm từ gia cầm nên Việt Nam đang hạn chế và tiến tới cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn với mục đích nói trên. Ðiều đó sẽ gây thêm áp lực lên sức khỏe đường ruột và sức khỏe của gia cầm. Hiện nay, các giải pháp thay thế để duy trì hệ vi sinh đường ruột tốt và sức khỏe đường ruột của gia cầm ngày một phát triển. Trong đó, các giải pháp thay thế có nhiều tiềm năng như bổ sung enzyme, probiotic, prebiotic, thảo dược và axit hữu cơ vào đường ruột, đặc biệt probiotic và chất chiết từ thảo dược. Trong những năm qua, các sản phẩm này đã được thử nghiệm rộng rãi và sẽ phát triển trong tương lai. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng các giải pháp thay thế cho thấy tác dụng có lợi rõ rệt cho sức khỏe đường ruột của vật chủ, nhưng ảnh hưởng khác nhau đến năng suất thịt và trứng ở gia cầm. Tuy nhiên, các giải pháp thay thế kháng sinh hiện nay có chi phí cao hơn so với giải pháp sử dụng kháng sinh. Vì vậy, sự phối hợp các giải pháp có tiềm năng nhằm cải thiện chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cần được đặt ra cho các nhà khoa học.
Axit amin tổng hợp tinh thể
Các giống gia cầm ngày nay có khả năng sử dụng protein cho tăng trưởng với hiệu quả cao hơn bao giờ hết. Một số giống gà chỉ nuôi 40 – 45 ngày có khối lượng 3,0 – 3,5 kg. Ðiều đó bắt buộc các nhà dinh dưỡng phải làm thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng cho gia cầm.
Protein là một thành phần đắt tiền trong khẩu phần ăn của gia cầm, vì vậy việc tối đa hóa hiệu quả sử dụng protein là rất quan trọng. Hiệu quả sử dụng protein phụ thuộc sự cân đối các axit amin thiết yếu trong thức ăn với nhu cầu của gia cầm. Thực tế, đa số thức ăn đều thiếu các axit amin thiết yếu, đặc biệt lysine, methionine, threonine, tryptophan… Vì vậy, tổng hợp các axit amin thiết yếu để bổ sung vào thức ăn là rất có ý nghĩa. DL-methionine đã được tổng hợp vào cuối những năm 1950, sau đó L-lysine (1960), và L-threonine và L-tryptophan (1980). Tổng hợp tinh thể các axit amin là một bước phát triển lớn.
Hiện tại bốn axit amin tổng hợp tinh thể, gồm DL-methionine, L-lysine.HCl, L-threonine và L-tryptophan, đã được sản xuất mang tính thương mại với giá cạnh tranh, mặc dù L-tryptophan đắt hơn các loại còn lại. Ngoài ra, Lysine và tryptophan phối trộn cùng một sản phẩm hiện cũng được bán trên thị trường. Valine, isoleucine và các axit amin giới hạn tiếp theo dự kiến sẽ có mặt trong tương lai gần.
Tóm lại, triển vọng về các axit amin tổng hợp tinh thể bổ sung vào thức ăn là rất lớn trongnhững năm tới. Bổ sung các axit amin tổng hợp không những có vai trò quan trọng về dinh dưỡng và giảm chi phí thức ăn mà còngiảm thải nitơ ra môi trường ở các hệ thống chăn nuôi gia cầm trong tương lai.
GS Lê Ðức Ngoan
Trường Ðại học Nông Lâm Huế