Ðể gặt hái nhiều “trái ngọt”?
Bước sang năm 2023, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta sẽ có những thuận lợi gì và phải đối mặt với những khó khăn nào? Cùng nghe chia sẻ và “hiến kế” của các hội viên Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) để ngành gia cầm gặt hái được nhiều “trái ngọt” hơn nữa trong năm 2023.
Ông Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA
Thuận lợi song hành cùng thách thức
Năm 2023, ngành chăn nuôi sẽ có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu và quy mô. Tổ chức liên kết sản xuất từ con giống – thức ăn – cơ sở chăn nuôi (trang trại và nông hộ) – giết mổ – chế biến – thương mại sản phẩm hình thành và phát triển sang một giai đoạn mới mạnh mẽ hơn. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn do các nước tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA bắt buộc phải mở cửa thị trường đối với nhiều sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến. Chính sách mở cửa tạo môi trường đầu tư và điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới phát triển tại Việt Nam. Cùng đó, công nghệ mới trong chuỗi sản xuất chăn nuôi được du nhập vào nước ta cũng sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển nhanh, mạnh. Sự hỗ trợ của chính quyền thông qua các chính sách, quy định đã và đang phát huy có hiệu quả như: Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu chọn tạo con giống mới, nâng cao năng suất vật nuôi và chủ động được nguồn con giống trong nước.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng sẽ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh phức tạp như Dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm… Nếu không đảm bảo các yếu tố an toàn sinh học sẽ phát sinh các loại dịch bệnh, kháng kháng sinh sẽ gia tăng, tác động lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại hình khí hậu cực đoan và vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi. Giá cả nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao và hoạt động vận chuyển cung ứng sản phẩm bị tác động mạnh gây biến động lớn về thị trường, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng. Trong đó, Hiệp định thế hệ mới CPTPP, EVFTA… yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn mới có được lợi thế trong cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư và phát triển chăn nuôi định hướng sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn nên lợi thế cạnh tranh lớn, đồng thời là thách thức lớn đối với cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ, chăn nuôi nông hộ.
Bà Ðinh Thị Xuân, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Gà giống Châu Thành
Cần nguồn vốn hỗ trợ để tái sản xuất
Nếu trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp, người chăn nuôi giảm đàn để chờ cơ hội đầu tư sản xuất thì đến nay tình hình cũng không mấy khả quan hơn khi giá gà thương phẩm vẫn giảm, trong khi giá TĂCN, vật tư đầu vào vẫn tăng… Doanh nghiệp chúng tôi đã phải hạ giá con giống xuống dưới giá thành nhưng vẫn rất ít người mua bởi giá TĂCN quá cao, người chăn nuôi không dám tái đàn. Cuối năm 2022, hy vọng nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ tăng song thực tế thì vẫn giảm mạnh, trong khi nguồn cung ngoài thị trường rất lớn, Công ty vẫn tồn đọng lượng thịt heo, gà thương phẩm, quy mô đàn đã giảm nay càng phải giảm hơn. Chăn nuôi thủy cầm trong năm vừa qua cũng có khá hơn song cũng không thể gỡ gạc lại vốn cho tổng thể. Công ty phải bán trứng ấp dở để mong gỡ lại chút vốn, tái sản xuất. Hiện, nguồn vốn của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Việc thực hiện chuỗi liên kết phù hợp với những doanh nghiệp lớn bao tiêu sản phẩm, còn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó. Công ty Châu Thành sẽ cố gắng vượt qua thời kỳ khó khăn này, tuy nhiên chúng tôi cũng như rất nhiều đơn vị khác trong ngành rất mong có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để tái sản xuất.
Bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình
Tích cực, đổi mới, hoàn thành mục tiêu
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như giá TĂCN tăng, giá vật tư đầu vào tăng cao, giá đầu ra lại giảm… nên Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình đã luôn tích cực đổi mới, sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao và gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2022, Hiệp hội đã phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó quan tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp và nông thôn, chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất TĂCN, trồng trọt xây dựng chuỗi chăn nuôi và trồng trọt tuần hoàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chăn nuôi hữu cơ. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với địa phương, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên trong Hiệp hội. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; Phối hợp với các đơn vị xây dựng nhiều mô hình thành công như: Mô hình chăn nuôi vịt Đại Xuyên, sản xuất trứng gà tuần hoàn, mô hình ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học…
Ông Bùi Ðức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh Dưỡng Việt Tín
Bước đi thận trọng và phù hợp
Năm 2022 vẫn bị tác động của đại dịch COVID-19 làm giảm sức cầu của thị trường dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ đã khiến cho giá các nguyên liệu TĂCN nhập khẩu liên tục tăng cao. Việc tăng giá đầu ra không kịp với tốc độ tăng của đầu vào dẫn đến sản xuất kinh doanh không có hiệu quả. TĂCN liên tục tăng giá 16 lần trong gần 2 năm qua cũng khiến cho người chăn nuôi kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Năm 2023 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lãi vay ngân hàng đã tăng từ 6% đầu năm 2022 lên mức 11% hiện tại. Tỷ giá giữa VNĐ và USD liên tục tăng khiến các nguyên liệu đầu vào tiếp tục một chu kỳ tăng giá, ảnh hưởng đến giá bán của TĂCN và giá thành của chăn nuôi. Mỗi doanh nghiệp cần có những bước đi thận trọng và chiến lược phù hợp với giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi cũng đang tái cấu trúc, lựa chọn hướng đi riêng với quy mô phù hợp với năng lực của mình. Đặc thù của chăn nuôi là ngành hàng thiết yếu phục vụ quy mô gần 100 triệu người, tôi vẫn tin tưởng sẽ trở lại cân bằng cung cầu trong năm 2023, đặc biệt khi khách du lịch quay trở lại như trước dịch sẽ làm cho sức cầu tăng cao, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều cảm thấy hạnh phúc. Năm 2023 thị trường tiêu dùng 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn 2022. Chúc cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi thuận buồm xuôi gió và gặt hái nhiều thành công hơn.
Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh
Cơ hội rộng mở
Năm 2022, sản lượng chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng trưởng nhưng giá đầu ra sản phẩm nhìn chung không cao, lợi nhuận thấp, chủ yếu là do chi phí thức ăn và vật tư khác tăng cao. Thời gian qua, Công ty Cao Khanh tập trung chủ yếu vào việc cải tạo chất lượng và tăng năng suất con giống hơn là tăng về quy mô, theo đó đã đạt được một số thành công trong việc tạo ra những dòng giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu mong đợi của người chăn nuôi và thị trường tiêu dùng. Ngành chăn nuôi trong năm 2023 dự báo vẫn tăng trưởng 5 – 6% so năm 2022, cùng với tiềm năng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại thị trường trong nước lớn và xuất khẩu ngày càng mở rộng, sẽ là cơ hội cho các công ty mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như: Nguy cơ dịch bệnh, thiên tai và các rủi ro khác có thể tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi; Sự biến động, khan hiếm và tăng giá của nguyên liệu sản xuất TĂCN, thuốc thú y… Những điều này khiến chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp và không ổn định.
Anh Vũ
(Thực hiện)