Danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam”: Sản phẩm tốt nhất sẽ được vinh danh

Tháng 11/2016, Lễ trao tặng Danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam” sẽ được diễn ra tại Hà Nội. Thời điểm này, Ban tổ chức Chương trình đang gấp rút công tác chuẩn bị, tiến hành tiếp nhận và phân loại hồ sơ từ các đơn vị, cá nhân gửi về.

Hơn cả một Danh hiệu

Gần một thế kỷ qua, ngành chăn nuôi gia cầm được cả thế giới quan tâm và phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Chăn nuôi gia cầm chiếm vị trí quan trọng trong chương trình cung cấp protein động vật cho con người. Gia cầm chiếm 20 – 25% trong tổng sản phẩm thịt. Riêng đối với thịt gà, ở các nước phát triển chiếm tới 30%, thậm chí có lúc còn cao hơn con số này.

Việt Nam đứng thứ 20 thế giới về nuôi gia cầm            Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Về lâu dài, báo cáo triển vọng của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, sản lượng thịt gia cầm trong 10 năm đến năm 2023 dự kiến tăng trưởng khoảng 2,3% mỗi năm, đạt khoảng 134,5 triệu tấn, khiến ngành này sẽ trở thành ngành lớn nhất kể từ năm 2020 trở đi.

Để ghi nhận thành tích, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, tiêu biểu hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi gia cầm; nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu; khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; từ đó đẩy mạnh phong trào thi đua gia cầm Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững… Bộ NN&PTNT chỉ đạo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Công ty TNHH Truyền thông VietnamMedia tổ chức Chương trình Bình chọn và Trao tặng Danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam”, gọi tắt là “Sản phẩm Vàng” lần thứ I, năm 2016.

Tính đến nay, sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã gửi đi 1.600 bộ hồ sơ, trong đó đã nhận được gần 100 bộ hồ sơ sản phẩm của các doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có nhiều sản phẩm của các tập đoàn, doanh nghiệp, thương hiệu uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi. Được biết, Ban tổ chức Chương trình tiếp nhận hồ sơ tham gia đến hết ngày 15/10/2016.

 “Ngành gia cầm Việt Nam có tương lai xán lạn vì nhiều lý do. Chúng ta hiện đứng thứ 20 thế giới về nuôi gia cầm, nhưng về thủy cầm lại đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Gia cầm hiện chỉ đóng góp 1,7% GDP song trong những năm tới chắc chắn tình hình sẽ khác. Đơn cử như việc xuất khẩu trứng muối có tiềm năng rất lớn, chủ yếu trứng vịt mà Việt Nam lại có thế mạnh”. – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam.

 

Quy trình chấm điểm rõ ràng

Hồ sơ các sản phẩm tham gia dự xét Chương trình “Sản phẩm Vàng” được Ban thư ký tiếp nhận, phân loại theo các nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm giống gà, vịt, ngan, ngỗng… sinh sản, nuôi thịt; Nhóm giống gà, vịt, ngan, ngỗng… đẻ trứng; Nhóm thức ăn chăn nuôi gia cầm; Nhóm thuốc thú y, chế phẩm sinh học; Nhóm sản phẩm chăn nuôi gia cầm (trứng, thịt); Nhóm thiết bị chuồng trại, dụng cụ giết mổ, chế biến sản phẩm. Sau đó, Hội đồng Bình xét sẽ chấm điểm theo thang điểm quy định của Ban tổ chức (tối đa 100 điểm). Thang điểm được đưa ra dựa trên 4 tiêu chí (tiêu chí quản lý, hiệu quả kinh tế – xã hội, tính khoa học và thực tiễn, và thành tích khen thưởng liên quan đến sản phẩm).

Điểm của mỗi sản phẩm là điểm trung bình cộng của các thành viên trong Hội đồng Bình xét. Các sản phẩm đạt từ 80 điểm trở lên sẽ được Ban tổ chức công nhận đạt Danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam” và công khai tên tuổi sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi tổ chức trao giải 15 ngày.

Điểm đặc biệt của Danh hiệu “Sản phẩm Vàng” lần này nằm ở chỗ, các doanh nghiệp, đơn vị, tập thể, cá nhân tham gia chỉ phải nộp một khoản lệ phí nhỏ, một triệu đồng đối với một sản phẩm. Ngoài ra, các thủ tục, hồ sơ đăng ký cũng khá đơn giản, không gây phiền phức cho doanh nghiệp. Cụ thể, hồ sơ tham gia chỉ cần: Bản đăng ký tham dự (theo mẫu); Thuyết minh tóm tắt về sản phẩm hoặc mô hình; Bản đăng ký chất lượng sản phẩm (bản sao, nếu có); Giấy phép sản xuất của cơ quan có thẩm quyền (bản sao, nếu có); Bản sao các thành tích mà sản phẩm đạt được (bản sao, nếu có); Mẫu, hình ảnh, tài liệu về sản phẩm; Phiếu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm dịch vụ của cơ quan có thẩm quyền (nếu có, bản sao); Các tài liệu có liên quan khác.

>> Không giới hạn số lượng sản phẩm tham gia

“Một doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có thể gửi nhiều sản phẩm tham gia bình xét. Điều này đồng nghĩa với việc, họ hoàn toàn có thể có nhiều sản phẩm đạt giải cùng lúc nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và không vi phạm quy định của Chương trình”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Chương trình khẳng định.