Đại khủng hoảng thị trường thịt toàn cầu
Theo các chuyên gia phân tích tại Rabobank, sản lượng các loại thịt trên toàn cầu đang giảm mạnh nhất từ trước tới nay. Sự bất định của thị trường thịt toàn cầu hiện nay là điều chưa từng xảy ra.
Dịch tả heo châu Phi (ASF) hiện đang là mối lo ngại lớn nhất của ngành chăn nuôi. Nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn liệu ngành gia cầm thế giới và các hãng chăn nuôi sẽ vật lộn với nhiều khó khăn trong những tháng cuối của năm nay và đầu năm sau hay không, theo Justin Sherrard, chuyên gia phân tích thị trường protein toàn cầu thuộc Tập đoàn phân tích ngành nông nghiệp và thực phẩm, rabobank.
Ảnh minh họa
Trung Quốc vẫn thiếu thịt
Ngày 12/9, TP Tế Nam là địa phương mới nhất ở Trung Quốc tuyên bố xả kho thịt heo đông lạnh. Chính quyền địa phương muốn hạ nhiệt giá thịt heo trước Tết Trung thu. Vào cuối tháng này, Tế Nam sẽ có đợt xả kho thịt heo đông lạnh lần thứ hai, trước khi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vào ngày 1/10. Tổng cộng, chính quyền Tế Nam dự kiến sẽ bán ra 1.500 tấn thịt heo đông lạnh.
Còn theo dự báo của rabobank, sản lượng thịt heo tại Trung Quốc đã giảm 25% từ năm 2018 và sẽ tiếp tục giảm thêm 15% vào năm 2020. Sherrard cho hay, đây là lần đầu tiên ông chứng kiếnsự sụt giảm sản lượng thịt heo thảm hại như hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các công ty xuất khẩu tất cả các sản phẩm thịt khác. Nhưng khả năng nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp này đến đâu lại còn phụ thuộc vào việc Chính phủ Trung Quốc có sẵn sàng giảm mức tiêu thụ thịt bình quân theo đầu người vào những năm tới hay không.
Dù Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho thịt heo từ một số quốc gia, và tăng sản lượng thịt gia cầm nội địa, nhưng rabobank dự báo thị trường Trung Quốc vẫn thiếu hụt khoảng 8 triệu tấn thịt vào năm nay. Mức tiêu thụ thịt gia cầm và thịt cừu đã tăng lên con số kỷ lục tại Trung Quốc trong thời gian qua. Xuất khẩu thịt gia cầm toàn cầu được dự báo tăng 3% trong năm 2019 lên mức kỷ lục 11,6 triệu tấn. Mặc dù không phải là quốc gia sản xuất thịt gà lớn nhất thế giới nhưng Brazil lại là quốc gia xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới năm 2019, dự kiến đạt gần 3,8 triệu tấn thịt.
Ngoài các quốc gia như Brazil, ngành gia cầm của Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn nhất khi ngành heo suy yếu. Có thể, tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc sẽ tăng lên mức đỉnh điểm và khó quay trở lại mức cũ dù các đợt bùng phát ASF bị xóa sổ. Các chuyên gia cũng dự báo, ngành heo Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu phục hồi sớm nhất vào năm 2021.
Đông Nam Á – điểm đến mới
Sản lượng thịt heo của Việt Nam dự kiến giảm 15 – 20% trong năm nay, theo Sherrard. Chính sự sụt giảm này cũng đang gây ra nhiều bất ổn thị trường thịt tại Lào và Campuchia. Dựa theo các tình huống thương mại hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ dần trở thành những đối tác thương mại quan trọng của các hãng gia cầm và heo Mỹ hơn là Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang tìm cách tiếp cận thị trường thịt Đông Nam Á.
Trong khi đó, vụ trồng ngô và đậu tương – nguyên liệu TăCN tại Midwest Mỹ cũng dẫn đến tình trạng chi phí thức ăn tăng cao hơn với các hãng sản xuất tại Mỹ và tác động tiêu cực theo dây chuyền tới ngành chăn nuôi heo và gia cầm. Tuy nhiên, những tác động này chưa rõ ràng, và cần thêm vài tuần nữa mới có thể khẳng định chính xác hơn về sự biến động chi phí thức ăn do tiến độ gieo trồng các loại cây nguyên liệu thức ăn nói trên.
Tuy vậy, sản lượng gia cầm và thịt heo của Mỹ vẫn được dự báo tăng trong năm 2019. rabobank kỳ vọng sản lượng thịt gia cầm của Mỹ tăng 2% trong năm nay, và tiếp tục tăng 1% vào năm 2020. Theo ông Sherrard, các hãng sản xuất thịt heo tại Mỹ đang thắt chặt thực hiện các giải pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt để ngăn chặn khả năng tấn công của dịch bệnh ASF và nâng cao sản lượng thịt heo. Do đó, sắp tới, Đông Nam Á sẽ có nguồn cung dồi dào các sản phẩm thịt từ thị trường Mỹ.