COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến ngành gia cầm Trung Quốc?

Nhiều địa phương đã bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất hàng ngày sau khi đỉnh dịch COVID-19 qua đi dù tốc độ chậm hơn thường lệ, nhưng để ngành gia cầm phục hồi sau đại dịch này, Trung Quốc sẽ phải mất rất nhiều thời gian.

COVID-19, một dịch bệnh không lây nhiễm trên cá thể gia cầm, nhưng lại gây ra những tác động to lớn lên toàn ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm của Trung Quốc. Dịch bệnh giờ đây đã lây lan ra toàn thế giới.

Ngành gia cầm Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục lại sau COVID-19. Ảnh: IE

Chỉ mới năm ngoái, các hãng gia cầm tại Trung Quốc hưởng lợi đủ đường, nhưng năm nay thì không. Trước đó, 2020 được dự báo là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất thịt và trứng gia cầm Trung Quốc. Nhưng cú sốc COVID-19 quá bất ngờ đã đóng băng gần như toàn bộ ngành gia cầm Trung Quốc. Hàng loạt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh đã vô tình chặn đứng hoạt động vận chuyển hàng hóa trong ngành gia cầm, còn chuỗi cung ứng bị tê liệt hoàn toàn dẫn đến hàng tồn kho chất đống và giá lao dốc.

 

ASF và COVID-19

Các hãng sản xuất gia cầm của Trung Quốc đã chớp cơ hội phất lên khi ngành heo vướng phải đại Dịch tả heo châu Phi (ASF). Khi ASF tàn phá ngành heo nuôi trên toàn Trung Quốc, nhu cầu và giá thịt gà bắt đầu tăng mạnh vào năm ngoái. Rất nhanh sau đó, cầu cũng vượt xa cung. Giữa năm ngoái, mức tiêu thụ thịt gà bình quân theo đầu người tại Trung Quốc tăng 9% và sản lượng thịt gia cầm nội địa tăng trên 5% vào cuối năm.

Do ASF chưa có dấu hiệu được kiểm soát, ngành gia cầm tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng cao hơn cho năm 2020. Nhưng COVID-19 ập đến và đã thay đổi mọi thứ. COVID-19 đã lây lan thế nào kể từ lần đầu xuất hiện tại Vũ Hán đã được báo cáo rõ ràng. Giờ đây, chính sách phong tỏa hoặc lệnh hạn chế đi lại từng được thực hiện nghiêm ngặt bởi Chính phủ Trung Quốc đang lặp lại ở các quốc gia khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những tác động của COVID-19 lên sản xuất lại có xu hướng tập trung vào chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn hoặc sụp đổ ra sao hơn là sản xuất gia cầm tại Trung Quốc bị ảnh hưởng thế nào.

Tỉnh Hồ Bắc, thủ phủ của Vũ Hán, vùng tâm bệnh với hơn 60 triệu người dân bị phong tỏa để ngăn chặn virus lây lan. Tuy nhiên, đây là lại tỉnh sản xuất gia cầm lớn thứ 6 của Trung Quốc. Để thực hiện kiểm dịch, xe ô tô bị cấm vô thời hạn. Chỉ xe cá nhân của các gia đình mới được phép rời nhà 3 ngày/lần để mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Hạn chế đi lại đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các hãng gia cầm.

Không phải tỉnh nào cũng bị phong tỏa nghiêm ngặt như Vũ Hán và Hồ Bắc. Nhưng đến giữa tháng 2, nhiều đường cao tốc, đường sắt và các hệ thống vận tải khác đều bị đóng cửa, kéo theo sự xáo trộn trong sản xuất gia cầm và thiếu lao động trầm trọng.

Cuối tháng 1/2020, Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc (CAAA) đã nhận được thông báo từ Hiệp hội Gia cầm Hồ Bắc về tình hình “cùng quẫn” của các thành viên khi không thể tiếp cận nguồn cung thức ăn. Ngay sau đó, CAAA đã kêu gọi các hãng sản xuất thức ăn vận chuyển 18.000 tấn ngô và 12.000 tấn khô đậu tới Hồ Bắc. Nhưng tới đầu tháng 2, nguồn cung thức ăn đã cạn kiệt, hàng triệu con gia cầm của tỉnh Hồ Bắc bị bỏ mặc cho chết đói, một số nông dân trong tỉnh phải tiêu hủy gà con, trong khi số khác cắt giảm một nửa thức ăn. Theo Global Times, tỉnh Hồ Bắc nuôi gần 348 triệu con gia cầm và cũng là địa phương đứng đầu về xuất khẩu trứng.

Không riêng Hồ Bắc, các tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Lệnh phong tỏa tại nhiều tỉnh, thành đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giao thông bị chặn đứng khiến thức ăn không đến được trang trại. Theo một chuyên gia phân tích nước ngoài: Điều này đã gây ra rất nhiều trở ngại cho ngành chăn nuôi gia cầm của Trung Quốc. Thậm chí nếu một nhà máy tại địa phương hoạt động trở lại thì quá trình vận chuyển sẽ mất nhiều thời gian hơn thông thường do logistics vẫn còn tắc nghẽn.

 

Đường phục hồi gian nan

Các hãng gia cầm không chỉ đối mặt khó khăn về nguồn cung thức ăn chăn nuôi. Do nguồn gốc virus được cho là bắt nguồn từ các chợ thủy sản, Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa các khu chợ dân sinh. Rất nhiều cửa hàng dịch vụ ẩm thực cũng tạm dừng hoạt động. Ngành dịch vụ ẩm thực sụt giảm 60 – 80% doanh thu vào dịp Tết Nguyên đán, theo một báo cáo từ Rabobank. Khó khăn vẫn còn tiếp diễn. Kỳ nghỉ lễ kéo dài, đi lại bị hạn chế và chuỗi cung ứng tê liệt đã khiến giá bán các sản phẩm thịt gia cầm lao dốc, nông dân tồn đọng một lượng lớn trứng và thịt.

Khi công nhân tại các tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng đã bắt đầu đi làm trở lại, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vẫn cảnh báo nguồn cung trứng và thịt gia cầm tiếp tục giảm trong quý 2 và 3 năm nay. Trong đó có doanh nghiệp báo cáo thiệt hại lên tới 14,3 triệu USD.

Cách đây không lâu, Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều thịt để đáp ứng thiếu hụt protein trong nước do ASF bùng phát. Tuy nhiên, virus corona cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nhập khẩu bởi các cảng biển hết sạch chỗ, hoặc không đủ nhân viên xếp dỡ container và kho lạnh cũng quá tải. Các hãng sản xuất gia cầm quốc tế cũng không có cách tăng lượng hàng sang Trung Quốc khi mà sự ưu tiên dành cho các lô hàng chở thuốc và thịt heo.

Dũng Nguyên

Theo InternationalPoultry