COVID-19: 6 điều cần nhận thức để ứng phó
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện coi virus corona mới (COVID-19) là một đại dịch. Sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này đang đặt ra nhiều thách thức đối với các trang trại chăn nuôi ở Mỹ, châu Âu. Dưới đây là 6 điều cụ thể mà nông dân, trang trại, chủ doanh nghiệp chăn nuôi cần phải nhận thức và lên kế hoạch ứng phó.
1. Thị trường và giá nông sản
Khi ta thấy mức độ lo lắng càng tăng cao về đại dịch, các khuyến nghị về giãn cách xã hội, hạn chế du lịch, tránh tụ tập đông người, đóng cửa trường học và các biện pháp bảo vệ khác nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19, người tiêu dùng sẽ đưa ra các lựa chọn khó khăn về thực phẩm và chi tiêu chung.
Sữa và thịt là những mặt hàng có thể có một số gián đoạn trong việc chuỗi cung ứng dịch vụ thực phẩm. Điều này có thể sẽ có tác động đến thị trường và giá cả. Do ảnh hưởng của COVID-19, tại một số quốc gia đã chứng kiến sự tắc nghẽn tại các cảng khi các tàu chở sữa và các sản phẩm nông nghiệp khác đang phải chờ đợi trong thời gian lâu hơn để được bốc dỡ hàng hóa.
Sự lo ngại về tác động của virus lên nền kinh tế rộng lớn có thể ảnh hưởng thậm chí lớn hơn tới giá sữa, thịt và các nông sản khác. Rất nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang đối mặt với một cơn khủng hoảng trước khi virus bùng phát và đại dịch này có thể đẩy họ vượt quá giới hạn kiểm soát.
Trước COVID-19, Trung Quốc cũng trải qua sự tăng trưởng kinh tế chậm lại. Mỹ đã có được sức mạnh trong nền kinh tế thời gian qua, nhưng đã có những chỉ dấu cho thấy đại dịch này đã làm cho nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vượt qua đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng và có lẽ là suy thoái kinh tế đang đến gần.
2. Chuỗi cung ứng chậm lại và thiếu hụt
Khi dịch vụ hậu cần bị gián đoạn và những nỗ lực mà các quốc gia đang tiến hành làm chậm sự lây lan của virus COVID-19, nhiều ngành công nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với một số sản phẩm tiêu dùng và nông nghiệp, việc mua sắm một cách hoảng loạn trên mạng đang tạo ra tâm lý tích trữ hàng hóa. Lấy ví dụ về sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại các trang trại, Hiệp hội Y khoa Thú y Mỹ (AVMA) cho thấy, trong tương lai gần các sản phẩm dược phẩm động vật sẽ bị thiếu hụt trong trung hạn do nguồn cung tại các nhà máy sản xuất dược phẩm thú y bị gián đoạn về cung ứng nguyên liệu.
Nếu COVID-19 lây lan rộng hơn ở một tiểu bang nông nghiệp như Wisconsin, Mỹ, có thể thấy xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng với việc giao và nhận sản phẩm nông nghiệp, ví dụ như tài xế xe tải sữa sẽ phải ở nhà vì bệnh hoặc phải chăm sóc cho các thành viên trong gia đình. Những mối quan tâm tương tự sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ khác. Chẳng hạn các chuỗi cung ứng phân bón, nhiên liệu và các nguyên liệu đầu vào khác cũng có thể bị gián đoạn. Trong một trường hợp xấu hơn, các trang trại chăn nuôi có thể bị ảnh hưởng do nguồn cung điện, khí đốt tự nhiên hoặc lao động bị gián đoạn.
3. Sức khỏe của nông dân
Trên khắp miền Trung Tây nước Mỹ, nông dân là nhóm dân số có độ tuổi tương đối lớn, so với nhóm dân số khác. Cuộc điều tra dân số năm 2017 cho thấy, độ tuổi trung bình của các nông dân tại các trang trại là gần 58 tuổi, ít nhất là hơn 10 tuổi so với công nhân trong hầu hết các lĩnh vực khác. Và không giống như các công nhân công nghiệp khác, người điều hành trang trại chiếm 26% ở độ tuổi từ 65 trở lên. Gần 11,7% các chủ trang trại chính có độ tuổi 75 tuổi trở lên. Dữ liệu từ các quốc gia khác cho thấy, COVID-19 có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng cao hơn nhiều đối với những người ở độ tuổi 60 trở lên. Điều đó có nghĩa là rủi ro đối với lao động ở các trang trại nông nghiệp trước COVID-19 rất cao và nguy cơ thiếu lao động là có thể xảy ra.
4. Lực lượng lao động nông trại
Ngay cả khi tỷ lệ nhiễm bệnh nói chung vẫn còn tương đối thấp, có khả năng vẫn sẽ thấy một số công nhân nông trại bị bệnh. Nhưng, có lẽ quan trọng hơn, ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức thấp (một con số), rất có khả năng người lao động sẽ phải nghỉ việc, đặc biệt là khi các trường học bị đóng cửa hoặc người lao động cần ở nhà để chăm sóc người bệnh hoặc người già, trẻ con. Sự sợ hãi của sự kiện này và việc thiếu thông tin cũng có thể dẫn đến mức độ vắng mặt, nghỉ việc cao hơn của người lao động tại các trang trại.
5. An toàn lao động và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE)
Có sự thiếu hụt PPE và các thiết bị bảo vệ khác quan trọng để vận hành trang trại an toàn và giữ cho công nhân và động vật khỏe mạnh cũng là mối lo đối với ngành chăn nuôi. Do nhu cầu hiện tại của ngành y tế rất lớn đối với các lạo đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, quân áo bảo hộ, nên nguy cơ thiếu hụt các loại đồ bảo hộ cho người lao động ở các trang trại là điều khó tránh khỏi.
6. Sự gián đoạn khác
Do dịch bệnh, nên nhiều nơi tập trung, chẳng hạn như trường học và nhà thờ bị đóng cửa, phải dừng các hoạt động và sự kiện thông thường khác. Như một sự thay thế, trong một số lĩnh vực, học sinh trung học và đại học, các lớp học và dịch vụ đang được dạy trực tuyến. Điều này có thể khó khăn đối với một số cư dân nông thôn vì dịch vụ internet tốc độ cao không có sẵn ở một số khu vực ngay cả một số cơ sở nông nghiệp mạnh.
Nguyễn Thanh Đức
Tổng hợp