Công nghệ tiềm năng cho ngành gia cầm
Rất nhiều công nghệ có tiềm năng nâng cao năng suất chăn nuôi gà công nghiệp. Tuy nhiên, phần nhiều trong số này vẫn chưa được thương mại hóa và vận dụng hiệu quả vào chăn nuôi thực tế.
Tự động hóa
Hệ thống chăn nuôi gà thịt công nghiệp vẫn thu hút nhiều nghiên cứu về công nghệ tiên tiến hơn hệ thống chăn nuôi gà đẻ trứng. Đây chủ yếu là những công nghệ không quá tốn kém vì ngành sản xuất gia cầm có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành thịt nói chung, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Các hệ thống tự động đã được sử dụng rộng rãi trong hệ thống quản lý chăn nuôi gà đẻ trứng, cung cấp thức ăn, nhặt trứng, dọn chất thải và tự động kiểm soát nhiệt độ/độ ẩm, nhưng thường dựa vào các giá trị phân tích không ổn định trên toàn đàn, do đó cần phải phát triển thêm để nâng cao hiệu quả. Đã có những công ty tại Anh khắc phục nhược điểm này. Điển hình, những hệ thống như FLOCKMAN được tung ra thị trường với đặc điểm tích hợp nhiều biến số vào trong một hệ thống kiểm soát tối ưu mức độ thức ăn, ánh sáng với thiết kế được lập trình để nâng cao lợi nhuận.
Fancom cung cấp các hệ thống tự động kiểm soát thông gió, trọng lượng thức ăn, đếm trứng tự động, cân trọng lượng vật nuôi và giám sát nước cùng với phản hồi từ phần mềm để đưa ra các gợi ý quản lý tối ưu để đạt năng suất cao hơn. Hoặc hãng Prognostix đánh giá các điều kiện của toàn chuồng nuôi, gồm sử dụng nước, nhiệt độ, độ ẩm, luồng khí, cường độ ánh sáng và hàm lượng carbon dioxide. Những hệ thống này cung cấp các cảnh báo sức khỏe hoặc hao hụt năng suất. Tự động hóa cũng được vận dụng trong ngành trứng gia cầm gồm các hệ thống tự động thu gom trứng, phân loại, chế biến, đóng gói, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất trong ngành trứng.
Cảm biến chính xác
Công nghệ chính xác ngày càng được quan tâm hơn trong ngành gia cầm, nhưng vẫn đi sau ngành chăn nuôi gia súc. Một số cảm biến chuyển động đã được đưa vào sử dụng trong ngành gia cầm để phát hiện các hành vi bất thường và vật nuôi ốm yếu, phát hiện cúm gia cầm sớm hơn các phân tích thân nhiệt. Các cảm biến cũng xác định hoạt động với độ chính xác 98% trên các con gà mái khác nhau. Ngành gia cầm đang đặt ra yêu cầu sử dụng công nghệ đủ nhỏ để lắp ráp vào cơ thể vật nuôi mà không gây đau đớn, khó chịu cho con vật. Đó là lý do các viên nang có thể tiêm được ra đời với chức năng phát hiện sự chuyển động cũng như nhiệt độ và nhịp tim của gia cầm.
Các cảm biến âm thanh đã được sử dụng rộng rãi trong ngành heo từ rất lâu nhưng gần đây mới được chú ý trong ngành gia cầm. Những nghiên cứu giống gà đẻ trứng lông màu Hyline trong một hệ thống nuôi lồng truyền thống, các phát hiện âm thanh cùng thuật toán vi tính có thể phát hiện dấu hiệu stress của vật nuôi và phân loại dấu hiệu vật lý hay tâm lý với độ chính xác 96,2%. Những nghiên cứu sâu hơn về công nghệ này đã chứng minh dữ liệu âm thanh có khả năng phát hiện các dịch bệnh nghẽn phổi ở gia cầm, và thậm chí gà mổ lông nhau trong đàn gà mái. Phân tích hình ảnh cũng là phương pháp giám sát thường xuyên không xâm lấn thông qua Tibot, Octopus Robotics and Poultrybot hay hệ thống robot chủ yếu sử dụng trong chăn nuôi gà thịt.
Nhận dạng bằng sóng radio RFID
Công nghệ này đã quá quen thuộc với ngành chăn nuôi gia súc, và cừu tại Anh như một phương pháp nhận dạng. Nhưng nó cũng có khả năng phát huy tác dụng tương tự trong ngành gia cầm. Trong các chuồng gà mái, các chuyên gia cho rằng RFID có thể hoạt động như công cụ giám sát tổng thể, trong khi thẻ RFIF gắn trên chân gà mái sẽ cung cấp dữ liệu con gà đó tới khu thức ăn hay nước uống chưa.
RFID có thể được tận dụng để cân trọng lượng gia cầm, đánh giá tăng trưởng và cảnh báo các vấn đề sức khỏe. Nó cũng đã được kết hợp với một hệ thống nuôi khác, cho phép phát hiện chính xác tình trạng của từng con gà đẻ, tạo cơ hội nâng cao năng suất thông qua quản lý từng cá thể vật nuôi hoặc loại bỏ các con kém năng suất.
David Cutress
(Đại học Aberystwyth, Anh)