“Cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức”

Ðây là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai Nguyễn Trí Công trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thế giới Gia cầm về những cơ hội và thách thức của ngành gia cầm Việt Nam trong năm 2023, nhân dịp đầu Xuân Quý Mão.

Có thể thấy, thời gian qua Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã làm rất tốt vai trò của mình đối với ngành chăn nuôi của tỉnh nói chung và gia cầm nói riêng, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Thời gian qua, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thực hiện phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Hiệp hội đẩy mạnh vai trò trong việc làm cầu nối giữa các trang trại chăn nuôi và thị trường tiêu thụ gồm siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể; Chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc; Hoặc hình thức liên kết chăn nuôi 4 nhà gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước – Ngân hàng – Doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hoặc hình thức liên kết chuỗi chăn nuôi – Giết mổ – Buôn bán… Tập trung nâng cấp chuỗi liên kết giữa nông dân – nông dân; Doanh nghiệp – doanh nghiệp và nông dân – doanh nghiệp; Phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hữu cơ, hạn chế manh mún nhỏ lẻ nhằm giảm chi phí trong nuôi, tăng khả năng cạnh tranh (cùng nhau nhập, hợp đồng con giống, thức ăn, thuốc, vật tư… hạ giá thành, số lượng xuất bán lớn, hạn chế thương lái ép giá…), kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Đồng thời, tìm đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi; Xây dựng quy trình giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh giết mổ, vận chuyển, giết mổ tập trung các loại vật nuôi theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; Liên kết các ngân hàng, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người chăn nuôi…

Ông đánh giá như thế nào về kết quả của ngành gia cầm cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng – một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn trong năm 2022?

Chăn nuôi gia cầm trong năm qua phát triển tương đối tốt, đặc biệt là sự phát triển của thủy cầm. Sau đợt dịch, phục hồi khá và được đánh giá tăng cả về sản lượng và chất lượng. Năm 2022, chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước tính tăng 5,93%. Tổng đàn heo khoảng 26,22 triệu con (chưa bao gồm heo con theo mẹ), tăng 11,4%; Đàn gia cầm gần 552 triệu con, tăng 4,8%; Đàn bò khoảng 6,65 triệu con, tăng 3,1%.

gia cầm

Ngành gia cầm cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để gặt hái thành công.

Tổng đàn gà của Đồng Nai hiện khoảng 26,1 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 360 trang trại; Chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9% tổng đàn, với khoảng 18.305 hộ; Đàn gà của các doanh nghiệp chiếm 41,9% tổng đàn (gần 11 triệu con), với 289 trang trại. Tổng đàn của doanh nghiệp FDI chiếm 76,5% (khoảng 7,65 triệu con) với 182 trang trại. Với tổng đàn này, Đồng Nai cung ứng nguồn thịt dồi dào cho các địa phương lân cận, đặc biệt là các địa phương phát triển ngành công nghiệp và các lĩnh vực khác mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Hiện, Đồng Nai đang phát triển đàn gà lớn hơn. Sản lượng đàn gia cầm tăng khá là do thị trường tiêu thụ ổn định và gần đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt gà các dịp lễ tăng. Hơn nữa, khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh nên đảm bảo chất lượng sinh trưởng vật nuôi. Việc kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín ở các trang trại nuôi gà tập trung ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ… nên các trang trại đã chủ động tăng đàn. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông nhận định ra sao về những cơ hội và thách thức của ngành gia cầm Việt Nam trong năm 2023?

Theo tôi, ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng trong năm 2023 có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, tuy nhiên cơ hội sẽ nhiều hơn. Mặc dù chiến sự Nga – Ukraine khiến tiêu thụ thịt gia cầm giảm, xuất khẩu bị ảnh hưởng song mặt hàng này vẫn sẽ tăng trong tương lai. Bên cạnh đó, Malaysia đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gà, có hiệu lực từ ngày 1/6/2022, là động thái mới nhất trong loạt biện pháp của Chính phủ Malaysia để ổn định giá trong nước và đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh giá lương thực thế giới tăng cao. Tình trạng thiếu thịt gà và các sản phẩm từ thịt gà được cho là do thời tiết bất lợi, những gián đoạn nguồn cung do đại dịch và các vấn đề khác, trong đó có những nguyên nhân từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Lệnh cấm xuất khẩu gà của Malaysia đã được dỡ bỏ một phần vào giữa tháng 6/2022, cho phép các nhà nhập khẩu gia cầm ở Singapore tiếp tục nhập khẩu gà kampung – giống gà có nguồn gốc xuất xứ từ Indonesia, Malaysia và gà đen sống. Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cho biết, phía Malaysia đã thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tạm thời đối với thịt gà từ ngày 11/10/2022.

Xu hướng chuyển dịch từ thịt đỏ (heo, bò…) sang thịt trắng (gia cầm, thủy sản…) đang tăng trên toàn thế giới. Thịt gia cầm – thịt gà trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu trong nhóm hàng thịt tại Mỹ, châu Úc và châu Phi. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tiêu thụ thịt gà đạt tăng trưởng 2,5%/năm tới năm 2029 và nhu cầu đối với thịt gà sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tại các khu vực như châu Phi và châu Á, dân số tăng cao, chất lượng cuộc sống được nâng lên, nhưng ngành hàng thịt nội địa dù có tăng tốc cũng không bắt kịp nhu cầu tiêu thụ. Ðó là lý do các khu vực này phải nhập khẩu thịt. Ðây là cơ hội cho nhiều hãng sản xuất thịt tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thịt, kể cả những mặt hàng không thể bán được tại chính quốc gia của họ. Nhiệm vụ đặt ra đối với các hãng kinh doanh gia cầm là xác định sản phẩm phù hợp với thị trường và nhanh nhạy nắm bắt sự thay đổi về nhu cầu tiêu thụ.

Các quốc gia xuất khẩu thịt gia cầm đang nắm bắt sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Việt Nam cũng không ngọai lệ. Hiện nay, ở nước ta đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà như: Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) xuất khẩu thịt gà sang thị trường Singapore và Hồng Kông. Hay mới đây Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (CPV Food) thuộc C.P. Việt Nam đã xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản. Đánh dấu triển vọng sản phẩm thịt gà của nước ta có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Việc đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà ra thế giới đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam.

Trong khi, ngành chăn nuôi gia cầm có nhiều lợi thế, người nuôi có thể quay vòng nhanh, ít ô nhiễm hơn so với chăn nuôi heo và động vật thịt đỏ khác. Hiện, Việt Nam đang dần hình thành tiêu chuẩn thế giới tạo từng vùng, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Vậy ngành gia cầm nước ta cần phải làm gì để phát triển bền vững trong thời gian tới, thưa ông?

Ngành chăn nuôi cả nước nói chung, gia cầm nói riêng cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ về chọn, tạo giống, chế biến thức ăn, công nghệ chuồng trại để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý và tận dụng hiệu quả chất thải và cải tạo môi trường chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cần chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong giết mổ, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời triển khai xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi. Triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Phát triển mô hình hợp tác xã chăn nuôi trong xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi sản phẩm theo tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm; Phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi…

Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Mưa

(Thực hiện)