Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Yến sào Việt Nam, hiện đã có 42/63 tỉnh, thành trên cả nước có phát triển nhà yến với tổng số khoảng 20.000 nhà và nếu tính bình quân chi phí làm nhà yến là 1 tỷ đồng/nhà thì ngành này đã thu hút một lượng vốn đáng kể và tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Tính trung bình một nhà yến cho sản lượng 50 kg/năm, theo giá hiện tại 16 triệu đồng/kg thì với số lượng nhà yến hiện tại, mỗi năm ngành này cho ra giá trị hàng hóa lên tới 160.000 tỷ đồng (tương đương 6,95 tỷ USD).
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, do hiện tượng săn bắt yến để giết thịt, mua bán đang khiến đàn yến có dấu hiệu suy giảm. Theo ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dũng Cát Yến (quận 9, TPHCM), thì trong 2 năm qua đàn yến không tăng như trước mà có nhiều nhà yến bị giảm đàn, mức giảm bình quân khoảng 20%, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác yến.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Yến sào Việt Nam gần đây đã cùng với các công ty hội viên tổ chức các buổi gặp mặt, gây quỹ (thông qua hình thức bán đấu giá đồ dùng, tranh), ra mắt các đội phản ứng nhanh giải cứu chim yến. Buổi gặp mặt với chủ đề “Ngày hội giải cứu chim yến” vừa được tổ chức tại xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã thu hút khoảng 100 hội viên, người nuôi yến các tỉnh, thành lân cận tề tựu; tổ chức đấu giá một bức tranh chim yến được 20 triệu đồng để làm các bảng hiệu cảnh báo đặt tại huyện Định Quán, khu vực lòng hồ Trị An – đang là những điểm nóng về săn bắt yến. Dự kiến, ở mỗi tỉnh, thành cũng sẽ thành lập các đội phản ứng nhanh để sẵn sàng tham gia phối hợp với các cơ quan hữu trách như kiểm lâm, công an, quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hoạt động săn, bẫy, giết thịt chim yến, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đây, theo Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì chim yến được xem là động vật hoang dã, quý hiếm cần được bảo tồn và Việt Nam đã tham gia công ước từ năm 1994. Theo Nghị định 32/NĐ-CP và theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, 2017 thì hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã như săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp thuộc nhóm IIB thì bị xử phạt từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Hiện chim yến đã được đưa ra khỏi danh mục này nhưng theo Luật Chăn nuôi và mới đây là Nghị định 13/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt nặng cho hành vi săn bắt chim yến.
Hiệp hội Yến sào Việt Nam hy vọng, thời gian tới với các biện pháp tích cực sẽ giúp cộng đồng xã hội cùng chung tay phòng chống có hiệu quả nạn săn bắt chim yến để giúp ngành này phát triển bền vững.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng