Châu Á “tối giản” chăn nuôi không kháng sinh
Nuôi heo không kháng sinh tại châu Á là điều hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cần tập trung vào những chiến lược cốt lõi, thay vì đầu tư dàn trải.
Thuốc kháng sinh như Amoxicillin, Tetracycline và Penicillin được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi heo để điều trị và ngăn ngừa mầm bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là phụ gia thức ăn chăn nuôi giúp cải thiện hiệu suất tăng trưởng. Theo một đánh giá có hệ thống được công bố mới đây, kháng sinh chủ yếu được sử dụng trong các giai đoạn sản xuất khó khăn hơn, như trước và sau cai sữa bởi đây là chiến lược hợp lý và hiệu quả để giảm tỷ lệ tử vong ở heo con. Ví dụ, tại Thái Lan, người chăn nuôi ước tính rằng, các loại thức ăn chứa thuốc kháng sinh chỉ đắt hơn 2,7% so với thức ăn thông thường. Sử dụng kháng sinh cho cả đàn vật nuôi thông qua thức ăn cần ít lao động hơn so với điều trị riêng lẻ.
Trung Quốc hiện là quốc gia có số lượng đàn heo chiếm hơn một nửa tổng số đầu heo của thế giới, đồng thời tiêu thụ gần một nửa số lượng kháng sinh trên toàn thế giới vào năm 2013, trong đó 52% là kháng sinh cho động vật.
Nuôi heo không kháng sinh tại châu Á là điều hoàn toàn khả thi. Ảnh: Shutterstock
Sử dụng kháng sinh tăng mạnh là do những cải tiến lớn trong chăn nuôi heo ở vùng nông thôn Trung Quốc và việc áp dụng một số loại thuốc thú y mới. Dù kháng sinh được sử dụng rộng rãi, nhưng nhiều báo cáo cũng ghi nhận tình trạng thiếu kiến thức và hiểu biết về thuốc kháng sinh đang gia tăng tại các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ðây thực sự là điều đáng lo ngại vì kéo theo nguy cơ sử dụng bừa bãi kháng sinh ở nhiều trang trại.
Sử dụng kháng sinh thông qua thức ăn chăn nuôi mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng nếu dùng không đúng cách và kéo dài thời gian có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường và nghiêm trọng hơn là thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh (AMR).
Nguy cơ gia tăng mức độ AMR, cùng hiểm họa ô nhiễm môi trường là động cơ thúc đẩy nhiều quốc gia cấm sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, gồm các nước EU và Thái Lan năm 2006, tiếp theo là Hàn Quốc năm 2011 và Indonesia năm 2018. Các quốc gia châu Á khác như Malaysia và Việt Nam cũng đang tìm cách giảm sử dụng kháng sinh bằng cách hạn chế một số loại thuốc cụ thể, như colistin và sử dụng kháng sinh làm biện pháp phòng ngừa.
Những hạn chế tương tự có thể sớm được thực thi. Do đó, các hãng chăn nuôi phải giảm phụ thuộc vào kháng sinh ngay từ bây giờ và bắt đầu chuyển sang giải pháp thay thế tự nhiên.
Ðã đến lúc người chăn nuôi ở châu Á bắt đầu thực hiện những thay đổi cần thiết và tiến tới sản xuất không kháng sinh trong khi vẫn duy trì hiệu suất và lợi nhuận hiện tại. Thoạt nhìn, giảm sử dụng kháng sinh tại trang trại có vẻ khó khăn và cả đàn vật nuôi có thể gặp phải những thách thức khi người chăn nuôi giảm hoặc loại bỏ kháng sinh.
Với chăn nuôi heo, thách thức thường gặp phải khi giảm dần thuốc kháng sinh bao gồm tiêu chảy, nhiễm trùng, giảm hiệu suất tăng trưởng và lượng ăn, giảm miễn dịch. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất đã chứng minh, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi heo hoàn toàn khả thi bằng cách tập trung vào 5 trụ cột chính gồm: An toàn sinh học, loại bỏ dịch bệnh thông qua các chương trình tiêm chủng hiệu quả, đảm bảo chất lượng sữa non, sức khỏe đường ruột và dinh dưỡng sớm.
Ngành chăn nuôi heo nên đặt mục tiêu giảm sử dụng kháng sinh trong tất cả hệ thống. Ðây là một thử thách, ít nhất trong giai đoạn đầu, nên cần hướng tiếp cận từng bước. Việc áp dụng một chiến lược toàn diện kết hợp các biện pháp quản lý và dinh dưỡng hỗ trợ tiêu hóa, miễn dịch cho heo là tiền đề mang lại ngành chăn nuôi heo bền vững và có lợi nhuận mà không cần kháng sinh.
HAZEL ROONEY – Ðiều phối viên kỹ thuật chăn nuôi heo Alltech
Nguồn: nguoichannuoi.vn