“Chắp cánh” cho gà Việt

Dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định, ngày 24/7/2020, các đơn vị gồm Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN&PTNT Bình Định và Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã phối hợp tổ chức “Lễ hội quảng bá sản phẩm gà năm 2020” tại Bình Định.

Nhiều cơ hội mở ra

Tham gia sự kiện có 8 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên cùng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chế biến tiêu thụ sản phẩm gà trong nước.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Lễ hội này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu, quảng bá thương hiệu và ký kết hợp tác liên kết, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gà trong nước. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, dự báo thị trường, hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, chăn nuôi cho phù hợp xu hướng mới…

Cũng tại Lễ hội, nhiều doanh nghiệp tại Bình Định, khu vực Nam Trung bộ và TP. Hồ Chí Minh đã đi đến thỏa thuận, ký kết nhiều hợp đồng liên kết, hợp tác chăn nuôi, cung ứng gà giống, trứng và thịt gà với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra Hội thảo chuyên ngành về nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm; Lễ hội ẩm thực chế biến từ sản phẩm gà Bình Định. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nhà quản lý, hứa hẹn tăng trưởng cho ngành chăn nuôi gia cầm tới cuối năm 2020.

 

Đẩy mạnh tiêu thụ

Bối cảnh khủng hoảng kinh tế 6 tháng đầu năm gây không ít hoang mang cho người chăn nuôi, nhà sản xuất, chế biến gia cầm cũng như người tiêu dùng. Ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đang cầm cự và dần thích nghi với tình trạng hiện nay, theo đó cần “chuyển mình” đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ nội địa.

Ở thị trường nội địa, người Việt tiêu thụ thịt gà chưa nhiều mặc dù là một thị trường tiềm năng với dân số hơn 95 triệu người. Sản lượng tiêu thụ trứng gà cũng rất thấp, chỉ ở mức 85 – 90 quả/người/năm, trong khi tại các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia là 250 – 340 quả/người/năm. Hầu hết hộ chăn nuôi gia cầm còn nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, còn nhiều đơn vị chưa đảm bảo được vấn đề dịch tễ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Thức ăn cho gia cầm hiện nay chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là thức ăn đạm với khoảng 90%, thuốc thú y là 80%. Còn tồn tại một số chủ trang trại lạm dụng kháng sinh, sử dụng tới gấp 4 – 5 lần.

Về tình hình xuất khẩu, Việt Nam đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên theo cán cân thương mại chúng ta đang nhập siêu: 5 tháng đầu năm 2020, trị giá nhập khẩu thịt gia cầm đạt 127,9 triệu USD, tăng 26,7% so cùng kỳ 2019; Xuất khẩu thịt gia cầm đạt 7,3 triệu USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu gia cầm còn rất thấp.

 

Chú trọng các giống gà bản địa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, đối với ngành chăn nuôi gia cầm, các địa phương cần tiếp tục duy trì chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín bền vững, hướng đến chế biến và chế biến sâu, cần chú trọng đến các giống gà bản địa…

Hàng năm, đàn gia cầm tăng trưởng trên 11,5%, sản lượng thịt gia cầm tăng bình quân gần 11%/năm. Năm 2019, sản lượng thịt hơi gia cầm đạt trên 1,3 triệu tấn (thịt gà chiếm 76%), trứng đạt trên 13,28 tỷ quả. Kết quả 6 tháng đầu năm 2020, tổng đàn gia cầm khoảng 510 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 410 triệu con (chiếm 80%) và 100 triệu con thủy cầm (chiếm 20%). Trong tổng đàn gà thì gà thịt chiếm 79,9% và gà đẻ chiếm 20,1%.

Hiện, Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, các giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng, kiêm dụng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, đặc biệt là nguồn gen quý trong nước, từ đó lai tạo ra các dòng giống mới có năng suất và chất lượng cao.

Nam Anh – Phương Ngọc