Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: Lối nào để bền vững?

Thời gian qua, người chăn nuôi gia cầm trên cả nước như “ngồi trên đống lửa” bởi chưa bao giờ giá thịt, trứng gia cầm (chủ yếu là gà công nghiệp) lại giảm sâu đến thế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đâu? Giải pháp nào để không còn nỗi lo mất giá, người chăn nuôi thua lỗ…? Ông Phan Văn Lục, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã có vài chia sẻ về vấn đề này?

Dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát, nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là cơ hội để ngành gia cầm tăng tốc và bứt phá. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy chiều hướng ngược lại, ngành gia cầm cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi giá thịt, trứng giảm mạnh. Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

Theo tôi, có hai nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng đối với ngành gia cầm thời gian qua, đó là sự tăng đàn gia cầm ồ ạt và lượng nhập khẩu thịt gà gia tăng đột biến trong 10 tháng đầu năm 2019, dẫn đến cung vượt cầu; theo đó, giá bán sản phẩm thịt và trứng chạm đáy là điều tất yếu. Do ASF xảy ra trên cả nước nên nhiều hộ chăn nuôi heo đã ồ ạt chuyển đổi sang nuôi gia cầm. Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy, một số địa phương có đàn gia cầm tăng nhanh như Đồng Nai tăng 14,28% (tăng khoảng 3 triệu con); Tiền Giang tăng 11,8% (tổng đàn 14,8 triệu con); Long An một số huyện đàn gia cầm tăng 2 – 3 lần; An Giang đàn gia cầm tăng 42,82%; Trà Vinh đàn gia cầm tăng trên 2 lần (tổng đàn 6,2 triệu con); Sóc Trăng đàn gia cầm tăng 12,61% (tổng đàn là 7,7 triệu con). Cùng với sự tăng đàn gia cầm ồ ạt trong nước, một khối lượng sản phẩm thịt gà nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2019 cũng đã khiến nguồn cung thịt gà vượt cầu, dẫn đến giá bán thấp chưa từng có trong 5 năm qua. Giá gà thịt lông trắng những ngày đầu tháng 9 xuống còn 12.000 – 14.000 đồng/kg ở phía Nam và 19.000 – 21.000 đồng ở phía Bắc. Giá trứng 1.500 – 1.600 đồng/quả.

 

Như ông nói thì ngành chăn nuôi gia cầm nước ta gặp khó khăn một phần là do khối lượng lớn thịt gà nhập khẩu, ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại, kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD; tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2018. Với sản lượng thịt gà nhập khẩu như vậy sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, thị trường tiêu thụ thịt và trứng gia cầm trong nước gặp nhiều khó khăn là do cả hai yếu tố, gồm sự tăng đàn gia cầm ồ ạt và lượng nhập khẩu thịt gà gia tăng.

 

Được biết, chi phí giá thành các loại sản phẩm gia cầm nước ta, đặc biệt là thịt gà cao hơn các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Thực tế này có đúng không và đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Trên thực tế, giá thành sản xuất thịt gà công nghiệp và gà lông màu ở nước ta còn rất cao. Do giá đầu vào nguyên liệu thức ăn luôn cao, chất lượng con giống, kỹ thuật, dịch bệnh là những yếu tố làm giảm năng suất và đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Hiện nay, chi phí sản xuất 1 kg thịt gà công nghiệp của các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… là 1,1 – 1,2 USD. Trong khi đó ở Việt Nam giá thành 1 kg thịt gà lông trắng khoảng 1,5 – 1,6 USD, gà lông màu khoảng 1,6 – 1,7 USD. Tổng hợp số liệu từ năm 2015 – 2018, giá bán 1 kg thịt đùi ở Mỹ dao động 0,74 – 0, 84 USD. Giá bán gà giết mổ nguyên con của Brazil từ năm 2015 – 2018 khoảng 1,1 – 1,2 USD/kg. Với giá bán như vậy, tính ra chỉ bằng khoảng 1/2 giá thành sản xuất gà trắng ở nước ta.

 

Có thể thấy, hiện ngành gia cầm của nước ta vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ; chất lượng, hiệu quả chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp. Theo ông, đâu là giải pháp cho những vấn đề này?

Ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta vẫn còn tồn tại ba hình thức song song, đó là nuôi tập trung công nghiệp, nuôi bán công nghiệp và nuôi chăn thả. Hiện, vẫn còn gần 6 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các giống bản địa năng suất chưa cao, dịch bệnh thường xảy ra, đầu tư công nghệ còn hạn chế, chưa hình thành chuỗi hàng hóa nên tính cạnh tranh chưa cao.

Để khắc phục tình trạng này và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gia cầm cần các giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gia cầm. Theo đó, cần định hướng quy hoạch phát triển theo các nhóm sản phẩm có lợi thế của từng vùng sinh thái, đẩy mạnh xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh với mục tiêu lâu dài là vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa hướng tới xuất khẩu. Thứ hai, cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Và cuối cùng là một giải pháp rất quan trọng, đó là thúc đẩy các chính sách hỗ trợ phù hợp của nhà nước về đất đai, tín dụng, ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước.

 

Ông có thể đưa ra vài dự báo ngắn hạn cho ngành chăn nuôi gia cầm nước ta thời gian tới?

Với mức độ phát triển hiện nay và quan hệ cung cầu trong thời gian tới, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đưa ra một số dự báo như sau:

Về sản lượng đầu con: Tăng trưởng về số lượng đàn gia cầm dự báo từ nay đên 2020 là 5,5 – 6% và vào năm 2025 là 4,5 – 5%. Tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp dự báo sẽ tăng lên khoảng 50% năm 2020 và 55% vào năm 2025. Tỷ lệ gà lông màu duy trì ở mức 60 – 65%. Tỷ lệ gà đẻ trứng thương phẩm 20 – 25%.

Về sản phẩm: Thịt gia cầm dự báo sẽ tăng 7 – 8% đến năm 2020 và tăng 6 – 7% đến năm 2025. Tỷ trọng thịt gia cầm dự báo sẽ tăng lên 25% năm 2020 và tăng 30%/ năm 2025. Tăng trưởng sản lượng trứng gia cầm 7 – 8% vào năm 2020 và 6 – 7% vào năm 2025.

Về xuất khẩu: Dự báo xuất khẩu sản phẩm gia cầm sẽ tăng trưởng 3 – 4%/ năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu thịt gia cầm qua chế biến, trứng vịt muối, trứng bắc thảo, trứng cút đóng hộp và lông vũ.

Về nhập khẩu: Dự báo lượng thịt gà nhập khẩu sẽ tăng 2 – 3%/ năm, nhất là sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thắm (Thực Hiện)