Chăn nuôi gia cầm gặp nhiều bất lợi

Do tác động của dịch COVID-19, thị trường chăn nuôi gia cầm trong nước gặp nhiều khó khăn khi mà giá giảm sút, tiêu thụ chậm; người nuôi giảm đàn. Việc giảm đàn của nông hộ có thể sẽ khiến thị trường gia cầm cuối năm khó bình ổn.

Giá giảm, tiêu thụ chậm

Là địa phương có đàn gà lớn của cả nước với hơn 27 triệu con, người nuôi gà tại Đồng Nai đang thực sự lao đao vì giá gà thương phẩm giảm xuống đáy, thấp hơn nhiều so với giá vốn. Tình trạng này đã khiến nhiều hộ dân phải “treo” chuồng hoặc cho thuê lại chuồng trại để chuyển nghề.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, giá gà công nghiệp trên địa bàn giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi heo đổ xô qua nuôi gà khiến nguồn cung tăng mạnh. Mặt khác, thịt gà nhập khẩu quá nhiều trong khi giá trong nước không thể cạnh tranh được với giá thịt gà nhập khẩu khiến người tiêu dùng quay ra chọn mua thịt gà nhập khẩu, đặc biệt là tại các siêu thị và chợ loại 1.

Việc giá gà giảm sút không chỉ diễn ra tại các tỉnh khu vực Nam bộ mà một số địa phương tại phía Bắc, thị trường gia cầm cũng không có nhiều khởi sắc, cụ thể như tại Vĩnh Phúc, một trong những địa phương có ngành chăn nuôi khá phát triển. Anh Lăng Văn Hùng, một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương chia sẻ, gia đình anh vừa xuất bán toàn bộ 8.000 con gà thịt (giống gà của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam). Tuy nhiên, theo anh Hùng, năm nay việc chăn nuôi gà gặp rất nhiều bất lợi. Bởi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá gà từ đầu năm đến nay phần nhiều ở mức thấp, như hiện nay là 44.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm xuống mức 38.000 đồng/kg. Giá thấp, lại cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng, khiến người chăn nuôi lỗ càng thêm lỗ.

 Còn tại Trà Vinh, chăn nuôi gà thả vườn hiện nay người nuôi thu từ 40 – 45 triệu đồng/1.000 con gà. Theo chia sẻ của một hộ dân ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, gia đình đang nuôi gần 2.200 con gà thả vườn (giống gà nòi lai), đầu tháng 8/2020, xuất chuồng 500 con gà nhưng giá chỉ có 55.000 đồng/kg (gà tốt, trọng lượng từ 1,2 – 1,8 kg/con), đối với gà từ 2 kg/con trở lên và bị trụi lông giá chỉ còn 40.000 – 42.000 đồng/kg. Nếu người nuôi khống chế được tỷ lệ hao hụt dưới 10% và xuất bán theo đúng thời gian (khoảng 85 – 105 ngày tuổi), thì mới có lời. Còn gà nuôi trong giai đoạn trên 3 tháng 20 ngày, ngoài việc gà tăng trọng chậm nhưng tỷ lệ tiêu hao thức ăn rất cao, dẫn đến thua lỗ.

Hiện, người nuôi gia cầm đang gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Vũ Mưa

Tác động của dịch bệnh

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm, tiêu thụ chậm và thiếu vốn để tái đàn. Nhiều nhà hàng, lễ hội… phải tạm hoãn hoạt động do giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ đàn gà, vịt rất chậm, giá cả lại giảm thấp, thậm chí có mô hình không thể xuất chuồng được…

Bà Bùi Thị Hạnh, Hội Nông dân huyện Hải Lăng cho biết, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong chăn nuôi gia cầm của người dân địa phương là rất lớn. Nhất là khi không tiêu thụ được thì người dân phải nuôi thời gian dài hơn, dẫn đến chi phí tốn kém hơn. Trước tình hình này, Hội cũng vận động người nuôi cố gắng duy trì tổng đàn để chờ ổn định xã hội trở lại; đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để bà con tái đàn vụ nuôi tiếp theo… Hiện tại tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lại thêm chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ… nên quá trình chăn nuôi của người nông dân trên địa bàn huyện Hải Lăng nói riêng và ở tỉnh Quảng Trị nói chung dự báo sẽ còn gặp những khó khăn, nhất là việc tái đàn.

Giải pháp tháo gỡ

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, trước tình hình giá gà thịt giảm sâu, Sở cũng đã chỉ đạo các huyện, nhất là Phòng Kinh tế – Nông nghiệp các huyện siết chặt việc hạn chế phát triển đàn tự phát một cách ồ ạt cũng như khuyến cáo người nuôi hạn chế tăng đàn trong thời điểm này. Tuy nhiên, để đưa giá gà về với giá vốn và có lãi cho người nông dân thì các bộ, ngành liên quan cần có chính sách và giải pháp khắt khe hơn đối với gà nhập khẩu. Bởi gần đây lượng thịt gà nhập khẩu quá lớn với giá thành quá rẻ, nên người chăn nuôi trong nước khó có thể cạnh tranh vì từ nguồn giống đầu vào đến chi phí chăn nuôi trong nước đang ở mức cao.

Còn giải pháp được đưa ra để hỗ trợ người chăn nuôi gà ở tỉnh Vĩnh Phúc là Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi gia cầm duy trì số lượng đầu con hợp lý, tránh xảy ra hiện tượng tăng đàn ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống nông nghiệp, Trung tâm Thông tin NN&PTNT theo chức năng nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thông tin kịp thời về biến động của giá cả thị trường để người chăn nuôi theo dõi, nắm bắt; đề xuất kịp thời công tác chỉ đạo phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm.

>> Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 9/2020 tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2019; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước hơn 1 triệu tấn, tăng 11,4%, riêng quý 3 đạt 348.600 tấn, tăng 7,7%; sản lượng trứng gia cầm 9 tháng ước 10,7 tỷ quả, tăng 10,8%, quý 3 đạt 3,5 tỷ quả, tăng 9,6%.

Vân Anh