Chăm sóc và quản lý vịt sinh sản hướng thịt

Chăn nuôi vịt là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam, vì vịt là loài dễ nuôi nhờ có điều kiện sinh thái thuận lợi. Tuy nhiên, để đạt sản lượng cao và chất lượng đảm bảo thì người nuôi cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc và quản lý tốt đàn vật nuôi.

Chuẩn bị chuồng trại và thiết bị nuôi

Chuồng nuôi và các thiết bị, dụng cụ chăn nuôi phải được vệ sinh tiêu độc theo đúng quy trình vệ sinh thú y. Nền chuồng láng xi măng với độ dốc 3% nghiêng về hệ thống rãnh thoát nước. Chuồng nuôi cần được sưởi ấm, đảm bảo nhiệt độ thích hợp trước khi thả vịt con vào quây úm.

Phải giữ cho vịt con luôn được ấm áp, lớp độn chuồng khô ráo để ấm chân và bụng, lông sạch sẽ giúp cho vịt sinh trưởng tốt. Chuẩn bị đầy đủ máng ăn, máng uống. Sử dụng các trang thiết bị để đảm bảo độ thông thoáng cũng như nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi phù hợp với từng giai đoạn nuôi.

 

Nước uống

Cung cấp nước đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo nhu cầu của vịt. Trong những tuần tuổi đầu tiên nên cho vịt uống nước bằng máng chụp tự động. Cứ 100 vịt con cần tối thiểu một máng chụp tự động có đường kính 30 cm, cao 30 cm. Từ 3 tuần tuổi có thể thay thế máng chụp tự động bằng máng dài có chụp ngăn để vịt không vào được trong máng làm bẩn nước; chiều dài máng uống tối đa 9 – 10 cm cho một con vịt. Thay nước và rửa máng uống 3 lần/ngày.

 

Mật độ nuôi

Tuần thứ nhất 23 – 27 con/m2 nền chuồng; tuần thứ hai 10 – 15 con/m2; tuần thứ ba và tuần thứ tư 7 – 10 con/m2. Mật độ vịt giảm dần theo tuần tuổi. Từ 5 – 18 tuần tuổi giảm dần xuống 3 –  6 con/m2. Từ 19 tuần tuổi đến hết giai đoạn vịt đẻ nhu cầu diện tích chuồng nuôi cho mỗi vịt đẻ 2 – 3 con/ m2. Thực tế mật độ nuôi còn tùy thuộc vào độ thông thoáng của chuồng nuôi, mùa vụ và phương thức nuôi.

 

Nhiệt độ và độ ẩm

Dùng lồng úm hoặc quây để sưởi ấm, tránh gió lùa và dễ quản lý đàn vịt con. Trước khi chuyển vịt đến phải bật đèn sưởi trước tối thiểu 4 giờ để làm ấm chuồng nuôi cũng như lớp độn chuồng. Chú ý không để vịt bị sốc nhiệt những vùng có thời tiết biến động ngày đêm. Mùa đông phải sưởi cho vịt suốt 4 tuần lễ đầu, mùa hè chỉ cần sưởi 2 tuần đầu. Nhiệt độ phù hợp ngày tuổi thứ nhất là 30oC, nhiệt độ chuồng nuôi giảm dần đến 7 ngày tuổi là 24oC. Từ  đầu tuần thứ 2, nhiệt độ giảm dần mỗi ngày 1oC và giữ ổn định ở 20oC là nhiệt độ thích hợp cho vịt từ sau 2 tuần tuổi. Độ ẩm thích hợp 65 – 70%. Để đảm bảo độ thông thoáng trong chuồng nuôi, với vịt 0 – 8 tuần tuổi tốc độ gió trong chuồng nuôi là 0,3 – 0,4 m/giây. Sau 8 tuần tuổi, tốc độ gió từ 0,4 – 0,6 m/giây.

 

Chiếu sáng

Công suất chiếu sáng là 3 – 5 W/m2 nền chuồng (treo bóng đèn tròn 75 W cách mặt nền chuồng 2 – 2,5m). Thời gian chiếu sáng tùy theo tuổi và loại vịt. Vịt 1 – 8 tuần tuổi, tuần lễ đầu chiếu sáng 23 giờ/ngày, sau đó mỗi tuần giảm 1 – 2 giờ. Vịt 8 – 20 tuần tuổi chỉ cần ánh sáng tự nhhiên ban ngày là đủ. Vịt 20 – 26 tuần tuổi, tăng dần thời gian chiếu sáng, từ tuần tuổi thứ 20 trở đi mỗi tuần phải tăng thêm thời gian chiếu sáng 1 lần với mức độ nào đó sao cho đến 26 tuần tuổi thời gian chiếu sáng đạt được 17 giờ trong 1 ngày đêm và duy trì mức này ttrong thời gian vịt đẻ.

 

Ổ đẻ

Khi vịt được 22 tuần tuổi, cần bố trí ổ đẻ theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Chất độn ổ đẻ phải khô, sạch để giữ cho trứng không bị bẩn, nền chuồng không bị ẩm mốc. Trung bình 4 – 5 vịt mái có một ổ đẻ đơn, kích thước là 40 x 60 x 40 cm. Mỗi dàn có 5 ổ đẻ đơn, giữa các ổ đẻ đơn có vách ngăn cứng, tránh cho vịt khỏi chen lấn nhau gây dập, vỡ trứng.

 

Thu trứng

Thu nhặt trứng lành, xếp vào khay; loại trứng dập, vỡ. Sau đó chuyển trứng đến phòng khử trùng, trứng được xông sát trùng bằng hơi formaldehyt hay khí ozon trước khi đưa trứng vào kho bảo quản. Tránh không để trứng bị ướt hoặc bị nắng chiếu vào. Nên bảo quản trứng trong phòng lạnh, ở nhiệt độ 18 – 20oC. Trứng giống bảo quản 3 – 5 ngày, tối đa 7 ngày phải cho ấp.

Minh Anh