Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả ấp trứng gà
Để hoàn thiện quy trình ấp trứng, cần tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của ấp trứng gà cũng như ngưỡng thích hợp của các yếu tố này.
Thời gian bảo quản trứng
Thời gian bảo quản ảnh hưởng đến tỷ lệ trứng có phôi còn sống. Thời gian bảo quản càng dài thì số lượng và tỷ lệ trứng có phôi càng giảm, số lượng và tỷ lệ trứng chết phôi càng tăng. Vì vậy, chỉ nên bảo quản trứng ấp trong 7 ngày, không nên bảo quản trứng quá một tuần sẽ làm tăng tỷ lệ trứng chết phôi và giảm tỷ lệ ấp nở.
Trứng gà có khối lượng 53 – 64 g/quả có tỷ lệ nở cao và gà con có chất lượng tốt nhất Ảnh: Xuân Trường
Thời điểm đẻ trứng
Thời gian đẻ trứng trong ngày cũng ảnh hưởng đến kết quả ấp nở. Cụ thể tỷ lệ trứng có phôi thấp nhất ở lô trứng đẻ trước 7 giờ sáng. Các thời điểm đẻ trứng tiếp theo tỷ lệ trứng có phôi tăng dần và đạt cao nhất ở lô trứng đẻ vào thời điểm 11 – 13 giờ, rồi giảm dần tại thời điểm 13 – 15 giờ. Bên cạnh đó, yếu tố tuần tuổi cũng ảnh hưởng đến kết quả ấp nở. Tỷ lệ nở/trứng có phôi thấp nhất ở tuần 27, tuần 33 – 36 tỷ lệ nở/trứng có phôi rất cao, và có xu hướng giảm dần ở các tuần tiếp.
Khối lượng trứng
Khối lượng trứng ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng gà con khi nở và tỷ lệ nở. Trứng gà có khối lượng 53 – 64 g/quả có tỷ lệ nở cao và gà con có chất lượng tốt nhất. Khi khối lượng trứng nhỏ hơn 53 g/quả hoặc lớn hơn 64 g/quả, tỷ lệ nở trứng và chất lượng gà con khi nở giảm dần.
Nhiệt độ
Trong 6 – 7 ngày đầu quá trình ấp cần yêu cầu điều kiện nhiệt độ trong máy ấp cao nhất, từ 37,8 – 380C, sau đó ổn định ở mức nhiệt 37 – 380C. Nhiệt độ cao thúc đầy phôi phát triển nhanh, đồng thời làm giảm sự bốc hơi nước trong trứng, tạo khoảng trống niệu nang để chứa nước nội sinh. Theo đó kích thích phôi tiêu hóa nhiều lòng trắng, lòng đỏ và thải nhiều chất cặn bã. Nếu thiếu nhiệt trong những ngày ấp đầu tiên, phôi sẽ chậm phát triển, phôi nhỏ, nằm gần vỏ và di chuyển yếu, phôi chết nhiều sau 4 – 6 ngày ấp. Nếu đủ nhiệt, khi nở gà khỏe, lông bông, bụng nhẹ, nhanh nhẹn. Nếu nhiệt độ ấp dưới 370C kéo dài, gà nở bị nặng bụng, thường bị ỉa chảy. Nếu trong quá trình ấp, nhiệt độ quá thấp khoảng 35 – 360C kéo dài trong nhiều thời điểm thì túi lòng đỏ không co vào được xoang bụng, gà nở thường bị hở rốn, túi lòng đỏ có màu xanh lá cây.
Ảnh hưởng của độ ẩm
Độ ẩm có vai trò quan trọng đối với hiệu quả của việc ấp trứng. Vì trong thời gian ấp, độ bay hơi nước của trứng phụ thuộc vào độ ẩm tương đối của máy ấp. Nếu độ ẩm trong máy tăng thì lượng nước bay hơi từ trứng giảm và ngược lại. Khi nước bay hơi làm cho khối lượng của trứng giảm. Trong những ngày đầu tiên cần giảm sự bốc hơi nước để có thể hòa tan các chất dinh dưỡng có trong lòng trắng, lòng đỏ để cung cấp cho sự phát triển của phôi. Vì vậy độ ẩm tương đối trong máy phải duy trì ổn định, ở mức cao để giảm độ bay hơi nước trong trứng. Sau khi ấp được 10 ngày, lượng nước trong trứng bớt dần, độ ẩm tương đối trong máy cao hơn, chỉ đủ để bay hơi nước nội sinh (nước tạo ra trong quá trình trao đổi chất của phôi).
Vào cuối chu kỳ ấp, phôi đã phát triển hoàn toàn thành gà con, trong trứng cần đủ độ ẩm để gà con dễ nở. Do đó độ ẩm trong máy cao hơn các giai đoạn khác, mục đính làm giảm độ bay hơi nước trong trứng. Nếu trong giai đoạn này, độ ẩm trong máy thấp, sẽ làm chết gà trong trứng. Độ ẩm trong giai đoạn gà con sắp nở phải đảm bảo 75 – 80%. Nếu cao hơn mức yêu cầu gà sẽ nở chậm, lông ướt.
Ngoài ra, độ ẩm còn ảnh hưởng đến sự tỏa nhiệt của trứng. Trong nửa đầu giai đoạn ấp, sự bay hơi nước làm trứng bị mất nhiệt. Vì vậy cần tăng độ ẩm trong những ngày đầu tiên nhằm giảm sự bay hơi nước, giảm nhiệt. Vào nửa sau của chu kỳ ấp, quá trình trao đổi chất ở phôi tăng, trứng sản sinh ra nhiều nhiệt làm cho nhiệt độ của trứng cao hơn nhiệt độ ở trong máy ấp, nhất là giai đoạn cuối chu kỳ. Vì vậy cần tăng cường độ ẩm trong máy để hút bớt nhiệt của trứng, làm hạ nhiệt độ trong trứng và trong máy ấp. Khi độ ẩm trong máy vượt quá yêu cầu trên 80%, thì gà nở bị yếu, ít hoạt động, lông gà bị dính bết ở rốn và hậu môn, màu lông vàng đậm, mỏ và chân nhợt nhạt. Gà con bị bụng to và nặng. Sau này nuôi gà chậm lớn, tỷ lệ chết cao.
Độ thông thoáng
Có tác dụng trao đổi khí bên trong và ngoài máy ấp giúp hút không khí sạch, chứa nhiều hàm lượng O2 hòa tan cho phôi hô hấp và phát triển. Đồng thời, thải khí nóng chứa nhiều chất độc ra ngoài như CO2, H2S… ra ngoài, đảm bảo hàm lượng CO2 trong máy không vượt quá 0,2%. Nếu nồng độ CO2 trong máy cao, nồng độ khí O2 thấp có thể làm cho phôi của trứng bị ngạt và chết hàng loạt. Dấu hiệu phôi bị ngạt thường thấy thấy ở giai đoạn sau khi ấp trứng 9 – 12 ngày. Để đảm bảo độ thông thoáng, máy ấp trứng cần bố trí hệ thống quạt, hút, quạt đẩy phải làm việc liên tục và chạy đủ tốc độ.
Xếp trứng đúng cách
Khi bắt đầu xếp trứng vào khay ấp thì phải để đầu to (chứa buồng khí) lên trên, đầu nhọn xuống dưới. Nếu xếp đầu nhỏ xuống dưới thì phôi vẫn phát triển bình thường, nhưng vào ngày cuối chu kỳ, đầu phôi của gà ở phía đầu nhọn, không có túi khí, không có khí thở, gà sẽ bị ngạt. Cùng đó, trong quá trình ấp cứ khoảng 1 – 2 giờ/lần được đảo một lần. Trong những ngày ấp đầu tiên nếu không thường xuyên đảo, trứng phôi sẽ bị lòng đỏ ép vào vỏ làm phôi ngừng phát triển và bị chết.
Thiên Sơn