Brazil nỗ lực hồi sinh ngành thịt

Ngành chế biến thịt tại Brazil phải gánh chịu đòn giáng nặng nề hồi đầu năm vì đánh mất hình ảnh sau vụ bê bối thịt bẩn. Nhưng bằng nỗ lực của cả hệ thống và Chính phủ, ngành này dần từng bước lấy lại vị thế.

Thiệt hại

 

Dù Chính phủ Brazil đang nỗ lực trấn an thế giới rằng, việc cảnh sát phát hiện vụ bê bối thịt bẩn chỉ là một số rất nhỏ trong số hơn 4.800 doanh nghiệp xuất khẩu thịt của nước này nhưng những sự thật được phanh phui sau cuộc điều tra Operation Weak Flesh do cảnh sát liên bang thực hiện đã khiến cả thế giới phải bàng hoàng và lo sợ. Những thông tin về thịt bẩn của Brazil lần đầu tiên được đưa ra trước công chúng vào giữa tháng 3/2017, trong đó gồm cả những lời cáo buộc một số cơ quan chức năng nhận hối lộ để che đậy vụ bê bối.

Chăn nuôi tập trung, an toàn được nhiều doanh nghiệp hướng đến. Ảnh: Nam Anh

Bộ Nông nghiệp Brazil đã nhanh chóng vào cuộc và cử đội đặc nhiệm gồm 250 giám sát viên tới kiểm tra hàng loạt container thịt đã qua chế biến, lò mổ và cả cơ quan kiểm dịch sản phẩm thịt trực thuộc Bộ. Kết quả đúng như những lời cáo buộc của cảnh sát Brazil tại Operation Weak Flesh.

Mặc dù Pacifici Rangel, Thư ký Bộ Y tế cũng khẳng định, hệ thống kiểm dịch của Brazil luôn hoạt động tốt và đã làm đúng quy định, cuối tháng 3, đã có 20 thị trường tạm ngừng nhập khẩu thịt của Brazil còn một số thị trường khác áp dụng lệnh cấm nhập khẩu một phần. Ít nhất 30 người đã bị bắt trong vụ bê bối thịt bẩn trên, hơn 10 nhà máy chế biến liên quan đến vụ việc và một nhà máy chế biến gia cầm do Tập đoàn đa quốc gia BRF và hai nhà máy chế biến thịt do doanh nghiệp địa phương Peccin điều hành đã bị đóng cửa.

 

Phục hồi     

Hình ảnh ngành công nghiệp chế biến thịt của Braizl bị phá hủy gần như hoàn toàn, thiệt hại kinh tế lên tới 40 triệu USD chỉ trong 1 tuần sau khi thông tin về vụ bê bối được phát đi. Do đó, sự phục hồi của ngành này, dù với tốc độ chậm nhưng cũng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi trước đó có nhiều ý kiến cho rằng, Brazil đang giải cứu ngành thịt trong sự tuyệt vọng.

Tới nay, xuất khẩu thịt gia cầm tăng đều hàng tháng nhưng khối lượng xuất khẩu trong tháng 6/2017 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái gần 10%. Sau cuộc điều tra “Operation Weak Flesh”, xuất khẩu gia cầm của Brazil chỉ có thể kỳ vọng mức tăng trưởng khiêm tốn 1%.

Tuy nhiên, xuất khẩu thịt bò lại phục hồi, tăng trưởng mạnh và đang tiến sát mức kỷ lục của năm 2014. Thành quả này nhờ vào việc tăng đàn, cũng như sự đàm phán thành công của lãnh đạo ngành nông nghiệp Brazil để tránh được hàng loạt lệnh cấm sau vụ bê bối lò giết mổ. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng nỗ lực hợp tác thương mại để nhiều thị trường mở cửa trở lại cho sản phẩm thịt bò Brazil, trong đó có Nam Phi, Iraq, Iran, Malaysia, Myanmar và Singapore; Đồng thời tiến hành tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới như Thái Lan và Đài Loan. Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết, nước này sẽ xuất khẩu 1,91 triệu tấn thịt bò vào năm 2018.

Theo Hiệp hội Chế biến thịt heo và gia cầm của Brazil (ABPA), xuất khẩu trong tháng 6/2017 đã tăng cao hơn 6,2% so tháng 5 và tăng 15,1% so tháng 4. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành thịt chỉ trong thời gian ngắn. Tốc độ phục hồi của ngành xuất khẩu thịt heo chậm hơn gia cầm nhưng vẫn vượt mức trung bình năm 2016. Thực tế, nếu Brazil không phải hứng chịu đợt mưa lớn khiến nhiều cảng biển ở phía Nam nước này phải tạm ngừng hoạt động thì những con số xuất khẩu có lẽ khả quan hơn.

 

 

Xây dựng lại niềm tin

Các phái đoàn thương mại của Chính phủ Brazil và nhiều đơn vị quản lý trong ngành chế biến thịt đang bắt tay vào công cuộc khôi phục thị trường xuất khẩu và xử lý toàn bộ thịt tồn đọng sau nhiều lệnh cấm vận.

Chủ tịch ABPA, Francisco Turra cho biết: Yếu tố quan trọng nhất là tăng cường khâu giám sát, kiểm tra trong toàn ngành sản xuất thịt. Một tín hiệu đáng mừng là sau thời gian quay lưng với các sản phẩm thịt của Brazil, tới nay nhiều thị trường đã mở cửa trở lại và cử đoàn công tác tới kiểm tra toàn bộ hệ thống sản xuất thịt của Brazil. Tới tháng 7, hầu hết các lệnh hạn chế hoặc lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm thịt của Brazil đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, vẫn có 21 nhà máy chế biến bị cấm cửa, 4 trong số các nhà máy này là hãng chế biến gia cầm hoặc thịt heo, chiếm tới 0,4% thịt gia cầm, 0,2% thịt heo xuất khẩu của Brazil.

Đặc biệt với ngành gia cầm, Chính phủ Brazil và các cơ quan quản lý đang nỗ lực khắc phục sự cố sau cuộc điều tra Operation Weak Flesh; Chung tay tìm giải pháp ngăn chặn và xử lý dịch cúm gia cầm trên toàn thế giới, cho dù dịch bệnh đang bùng phát tại quốc gia là đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu gia cầm với Brazil. Sự cố gắng của Brazil vì một ngành gia cầm khỏe, bền vững trên toàn thế giới đã được ghi nhận và chính điều đó đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của Brazil, đồng thời góp phần nâng giá bán lên cao.

Tuy nhiên, theo Francisco Turra, ngành chế biến thịt của Brazil vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Ông Francisco Turra cho rằng, sau Operation Weak Flesh, những người hoạt động trong ngành thịt tại Brazil cũng đã nhận được bài học đắt giá và sẽ nỗ lực nâng cao trách nhiệm trong sản xuất để giành lại vị thế đã mất.

Tuấn Anh – WorldPoultry

Theo Thế giới Gia cầm