“Bình tĩnh hợp sức cùng nhau”

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong buổi gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cùng một số doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội như: Minh Dư, C.P. Việt Nam, De Heus, Hùng Nhơn… nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm Việt Nam chiều 30/5/2023 tại Hà Nội.

Nhiều khó khăn, thách thức

Mở đầu buổi gặp gỡ, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã bố trí thời gian gặp mặt và lắng nghe ý kiến của đại diện Hiệp hội cùng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia cầm trước bối cảnh người chăn nuôi và các doanh nghiệp đang phải gồng mình vượt khó.

Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo VIPA và một số doanh nghiệp hội viên của VIPA với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, khó khăn của ngành gia cầm nước ta hiện nay là tổng hợp nhiều nguyên nhân, đó là: Sự bất cập mang tính hệ thống trong sản xuất và thương mại của ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng; mâu thuẫn lớn giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã phát sinh từ nhiều năm nay trong ngành gia cầm. Quan hệ sản xuất đã không theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất; các chủ thể chính trong sản xuất ngành gia cầm là nông hộ, doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI có chênh lệch lớn về năng lực tổ chức sản xuất và thương mại, cho nên sự phát sinh các mâu thuẫn. Tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 và xung đột chiến tranh gây áp lực lên ngành chăn nuôi ngày càng sâu sắc, thể hiện ở chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao kỷ lục, khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước đều bị đội lên, trong khi sức mua và mức tiêu thụ lại giảm mạnh, khiến giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất diễn ra trong thời gian dài. Riêng ngành gia cầm Việt Nam còn bị sức ép lớn của sản phẩm gia cầm nhập khẩu giá rẻ từ các quốc gia mà nước ta đã ký kết các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu sản phẩm gia cầm cũng góp phần làm gia tăng sự khó khăn, phức tạp cho sản xuất, tiêu thụ trong nước. Một số chính sách và quy định hiện hành chưa thực sự góp phần hỗ trợ đáng kể cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững…

Kiến nghị những giải pháp

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á cho biết: “Những năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc tham gia các hiệp định thương mại tự do. Ai cũng hiểu rằng khi đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì phải chấp nhận một số sản phẩm nhập khẩu. Theo số liệu phân tích, năm 2022, tổng lượng gà nhập khẩu chiếm gần 22% tổng lượng gà của Việt Nam, vì vậy có một số vấn đề chính mà chúng ta cần quan tâm. Thứ nhất là nguồn hàng gà nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam chủ yếu là gà loại thải có nguồn gốc từ Trung Quốc và Thái Lan. Thứ hai, về nhập khẩu chính ngạch, chúng ta nên xây dựng hàng rào kỹ thuật. Một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam như tôm, cá tra khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, chẳng hạn như EU đều bị kiểm soát rất chặt chẽ. Gà xuất khẩu sang Nhật của Công ty Koyu & Unitek bị kiểm soát từng con một, phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng. Nếu Việt Nam không kiểm soát chất lượng chặt chẽ như vậy thì những sản phẩm của nhiều nước trên thế giới sẽ tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, nhất là gà đẻ thải loại. Do đó, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật để tạo sự công bằng và phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng và bảo vệ thị trường trong nước là rất cần thiết”.

Một số doanh nghiệp hội viên của VIPA đã chia sẻ và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm. 

Còn theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn: “Hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, tuy nhiên các chi phí đầu vào (điện, chi phí, đất đai…) gặp nhiều khó khăn, điều này kéo theo giá thành sản xuất cao, trong khi đó giá sản phẩm gia cầm lại rớt xuống, đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Thứ hai nữa là khi đi kiểm tra một loạt siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh thì thấy rằng, giá thịt gà nhập khẩu rất rẻ, trong khi bán tại các nước xuất xuất khẩu thì đắt hơn ở Việt Nam. Theo Cục Thú y, hiện nay các cơ quan chức năng chỉ có kiểm dịch 5% lô hàng nhập khẩu (tức là cứ 100 container thịt nhập khẩu chỉ kiểm tra 5 container), điều này không thể bảo đảm kiểm soát hoàn toàn được chất lượng thịt nhập khẩu. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng cần phải kiểm dịch 100% các lô hàng nhập khẩu để vừa bảo đảm kiểm soát được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa góp phần gia tăng chi phí nhập khẩu, khiến giá bán các sản phẩm nhập khẩu sẽ tăng, không thể rẻ như bây giờ. Nếu tình trạng như hiện nay kéo dài thêm một năm nữa thì ngành chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng sẽ còn khó khăn hơn”.

“Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sẽ tập trung xem xét 2 vấn đề, gồm: Kiểm soát tại các cửa khẩu về tình trạng gia cầm nhập lậu và xem xét lại vấn đề kiểm dịch”, ông Hùng đề xuất.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Thái Lan trong việc xây hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế gà nhập khẩu vào nước này. Ông Tuấn cho hay: “Giá thành chăn nuôi gà thịt của Việt Nam và Thái Lan không khác nhau là bao. Tuy nhiên, sản phẩm gia cầm của các nước nói chung và Mỹ nói riêng rất khó vào được Thái Lan là do Thái Lan đã áp dụng hàng loạt các biện pháp phi thuế quan để bảo hộ mậu dịch ngành chăn nuôi gà thịt ở nước này. Một trong số đó là có cơ cấu tổ chức rõ ràng đối với các nhiệm vụ bảo hộ mậu dịch. Thứ hai, xây dựng các hàng rào tiêu chuẩn sản xuất để các nước khác khó thực hiện. Thứ ba, đề ra sự bình đẳng về quy định an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh động vật. Thái Lan không cho phép sử dụng Chlorine – chất sát trùng trong quá trình giết mổ (water chill). Những quốc gia nào sử dụng Chlorine được coi là bất bình đẳng. Tại Thái Lan cũng cấm sử dụng 2 chất Ractopamine, Cysteamine cho vật nuôi. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có những hàng rào làm khó cho người buôn, nhà nhập khẩu như kiểm dịch 100%, nhất là với vi khuẩn Salmonella. Nếu phát hiện ra Salmonella thì tất cả lô hàng đều bị trả về. Điều này khiến chi phí nhập khẩu cũng tăng lên”.

Ông Lê Văn Dư, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giống Gia cầm Minh Dư nói: “Trong năm 2022, cũng như 5 tháng đầu năm 2023, việc tiêu thụ con giống và thịt trứng gia cầm gặp rất nhiều khó khăn. Giá bán gà con giống 1 ngày tuổi và gà thịt lông màu giảm sâu, luôn thấp hơn giá thành nhưng vẫn không tiêu thụ được. Trong khi việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thì việc nhập khẩu thịt gà không ngừng gia tăng đã làm cho thị trường tiêu thụ càng khó khăn hơn”.

“Bên cạnh đó, gà sống, gà đẻ già thải loại nhập lậu từ vào Việt Nam thông qua Lào và Campuchia với số lượng rất lớn, tương đương khối lượng thịt gà đông lạnh nhập khẩu chính ngạch; thịt gà đẻ già thải loại (gà dai) đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam không ngừng gia tăng trong thời gian qua đã và đang tạo áp lực rất lớn đối với sản xuất và tiêu thụ gà thịt lông màu trong cả nước. Đặc biệt gà đẻ già thải loại (gà dai) ở các chính quốc chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam lại trở thành chính phẩm bán cho người tiêu dùng sử dụng nên có lợi thế cạnh tranh rất lớn, vì vậy sản phẩm gà thịt lông màu sản xuất trong nước không thể nào cạnh tranh được”, ông Dư nói thêm.

Trước vô vàn khó khăn như vậy, TS. Nguyễn Thanh Sơn đã đề xuất 6 nhóm giải pháp. Thứ nhất, kiến nghị Bộ NN&PTNT đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của việc nhập siêu sản phẩm thịt gia cầm đến sản xuất trong nước, từ đó có biện pháp thích hợp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước. Thứ hai, thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Thứ ba, rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất. Thứ tư, xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Thứ năm, chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm. Và thứ sáu, có những chính sách đặc thù hỗ trợ cho ngành chăn nuôi.

Gỡ khó từng bước một

Sau khi lắng nghe những tâm tư, đề xuất của các doanh nghiệp và lãnh đạo VIPA, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp, người chăn nuôi đang phải cố gắng để vượt qua, đồng thời đánh giá cao các kiến nghị mà VIPA và các doanh nghiệp nêu ra.

Bộ trưởng cho biết: “Sau cuộc họp hôm nay, tôi sẽ giao các đơn vị liên quan, trong đó có Cục Chăn nuôi và Cục Thú y phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi”.

“Tuy nhiên muốn được tất cả thì sẽ không được gì cả, cái gì gỡ được thì mình gỡ và sẽ gỡ từ từ. Về vấn đề xây dựng hàng rào kỹ thuật, chúng ta cần phải xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và xét đến tổng thể các mối quan hệ thương mại quốc tế. Về vấn đề hợp chuẩn, hợp quy trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng cần xem xét lại vì đã được đề cập đến rất nhiều. Chúng ta cần cân bằng cảm xúc và đánh giá đúng vai trò của các  doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp nội, người chăn nuôi… để tạo ra một hệ sinh thái chăn nuôi bền vững. Càng lúc này chúng ta càng phải bình tĩnh hợp sức lại với nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Phương Ngọc