Bánh dầu mắc ca – protein thay thế trong thức ăn gia cầm

Bánh dầu mắc ca – một phụ phẩm của ngành công nghiệp chiết xuất dầu hạt mắc ca đang được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng trong chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng.

Cũng như các phụ phẩm khác, bánh dầu mắc ca giàu xơ, chất béo dư và năng lượng thô với hàm lượng protein từ mức vừa đến cao. Do đó, đây được coi là nguồn dinh dưỡng tiềm năng trong thức ăn gia cầm vì cung cấp cả protein và năng lượng. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về hàm lượng bổ sung tối ưu và hiệu lực của phụ gia này đối với hiệu suất tăng trưởng của gà công nghiệp lông trắng.

 

Nghiên cứu 1: Năng lượng trao đổi chất của khô dầu mắc ca

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã xây dựng 2 thử nghiệm để đánh giá năng lượng trao đổi chất được quyết định bởi giá trị ni tơ (AMEn) của bánh dầu mắc ca đối với gà công nghiệp lông trắng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ðây là cơ sở khoa học để hiểu sâu hơn về tiềm năng của của bánh dầu mắc ca trong chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng.

Cụ thể, thử nghiệm 1 gồm 2 nghiệm thức cho gà con 4 – 10 ngày tuổi. Nghiệm thức thứ nhất là khẩu phần cơ bản, không chứa bánh dầu mắc ca; nghiệm thức còn lại chứa 60 g/kg bánh dầu mắc ca (940 g/kg khầu phần cơ bản + 60 g/kg bánh dầu mắc ca). AMEn được phỏng đoán bằng cách trừ AMEn của khẩu phần cơ bản cho AMEn của khẩu phần thử nghiệm.

Thử nghiệm 2 gồm 4 nghiệm thức cho nhóm gà 17 – 23 ngày tuổi. Cụ thể, 4 nghiệm thức gồm: khẩu phần cơ bản (không chứa bánh dầu mắc ca); khẩu phần 30 g/kg (970 g/kg thức ăn cơ bản + 30 g/kg bánh dầu mắc ca); khẩu phần 60 g/kg (940 g/kg thức ăn cơ bản + 60 g/kg bánh dầu mắc ca); khẩu phần 90 g/kg (910 g/kg thức ăn cơ bản + 90 g/kg bánh dầu mắc ca). Gia cầm ở thử nghiệm này được ăn một lượng thức ăn cơ bản giống nhau. Do đó, bánh dầu mắc ca là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự khác nhau về AMEn. Lượng ăn, trọng lượng thân, năng lượng vào, năng lượng bài tiết, lượng ni tơ vào, ni tơ bài tiết, AMEn vào và AMEn được xác định ở cả 2 thử nghiệm.

AMEn của bánh dầu mắc ca trong thử nghiệm 1 và 2 lần lượt 12.09 – 12.17 MJ/kg với vật chất khô cơ bản trung bình 12.13 MJ/kg, tương đương 60 – 65% năng lượng thô. Những kết quả này chỉ ra AMEn của bánh dầu mắc ca có thể tương đương với thức ăn thông thường về thành phần dinh dưỡng nên có thể sử dụng trong thức ăn của gà công nghiệp lông trắng.

 

Nghiên cứu 2: Giá trị của bánh dầu mắc ca với gia cầm

Trong một nghiên cứu khác, 180 con gà con công nghiệp lông trắng 1 ngày tuổi chưa xác định giới tính (Cobb 500) được phân chia ngẫu nhiên và số lượng bằng nhau vào các nghiệm thức tại Ðại học Hawaii ở Manoa. Trong nghiên cứu, 0 – 200 g/kg bánh dầu mắc ca được bổ sung vào khẩu phần cơ bản chứa khô đậu – ngô. Các nhóm thử nghiệm gồm: 0 g/kg (đối chứng); 50 g/kg; 100 g/kg; 150 g/kg; 200 g/kg.

Lượng ăn trung bình hàng ngày và tỷ lệ biến đổi thức ăn tăng theo lượng bổ sung bánh dầu mắc ca, với kết quả ấn tượng nhất ở tỷ lệ 200 g/kg suốt giai đoạn khởi đầu (0 – 21 ngày tuổi) và 150 g/kg suốt giai đoạn vỗ béo (22 – 42 ngày). Dù bánh dầu mắc ca chứa lượng xơ cao, nhưng tăng trưởng của vật nuôi không bị giảm do phụ gia này giàu chất dinh dưỡng thiết yếu, lượng béo dư thừa cao và vai trò có lợi của xơ đối với sức khỏe đường ruột.

Các nhà nghiên cứu kết luận bánh dầu mắc ca có thể được bổ sung tới 105 g/kg vào thức ăn của gia cầm mà không ảnh hưởng đến hiệu suất chăn nuôi, trái lại còn có khả năng thay thế khô dầu đậu tương và ngô. Giàu protein, carbohydrates, chất béo, khoáng chất, vitamin, bánh dầu mắc ca thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ hiệu quả sức khỏe đường ruột của gia cầm.

Vũ Ðức

Theo Khoa Khoa học Dinh dưỡng, Thực phẩm và Chăn nuôi, Ðại học Hawaii