An toàn sinh học trong chăn nuôi
An toàn sinh học là việc thực hiện các biện pháp tổng hợp nhằm làm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh. Phạm vi áp dụng của an toàn sinh học là cho một trại, một khu vực, một vùng hay rộng hơn là một quốc gia.
An toàn sinh học (ATSH) đòi hỏi chấp thuận hàng loạt sự thay đổi về thái độ và hành vi của con người để giảm nguy cơ lây nhiễm trong tất cả các hoạt động liên quan đến vật nuôi, vật đang thuần hóa, động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng.
Ba yếu tố cơ bản của An toàn sinh học:
1. Giữ khoảng cách, cách ly
Giữ khoảng cách hoặc cách ly có nghĩa là tạo ra khoảng cách để giữ cho vật nuôi các trại chăn nuôi không bị nhiễm mầm bệnh bằng cách tránh xa những nguồn lây nhiễm (chợ, cơ sở giết mổ, bệnh viện, trường học, làng xóm, vật nuôi ốm, chết, vật nuôi mang trùng, con người, thức ăn nước uống, chất thải chăn nuôi, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi, động vật khác…). Tùy mức độ và tầm quan trọng của cơ sở chăn nuôi, khoảng cách cách ly đã được nêu rõ trong Luật Chăn nuôi.
Giữ khoảng cách và kiểm soát tốt ra vào được cho là biện pháp đầu tiên và có hiệu quả tốt nhất để đạt được mức độ ATSH cao. Nếu mầm bệnh không thâm nhập được vào chuồng nuôi gia cầm, thì không thể xảy ra sự lây nhiễm.
– Các trại chăn nuôi cần có hàng rào, có cổng luôn đóng, có biển hiệu để hạn chế người ra vào.
– Khu chăn nuôi, chuồng nuôi và bãi chăn cần bố trí hợp lý, có hố sát trùng ở cổng ra vào.
– Vật nuôi mới nhập trại phải có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
– Có nơi chứa và xử lý chất thải riêng, nơi tiêu hủy gà chết bệnh và cách biệt khu chăn nuôi.
– Có nơi chứa thức ăn và dụng cụ chăn nuôi.
– Áp dụng nguyên tắc cùng vào cùng ra.
2. Kiểm soát tốt sự di chuyển (con người, phương tiện, chim hoang, côn trùng)
Trại chăn nuôi là cơ sở sản xuất khép kín cần có hàng rào ngăn cách và cổng kiểm soát người, phương tiện ra vào trại. Đảm bảo đầy đủ hệ thống khử trùng phương tiện, thiết bị, người ra vào trại (Phòng thay quần áo, giày dép, phòng khử trùng, vòi hoa sen, vòi nước, xà phòng…)
Kiểm soát người
Người có thể mang mầm bệnh trên giầy, quần áo và trên tay. Cần thực hiện các biện pháp:
*Kiểm soát khách thăm:
– Thông báo cho mọi nhân viên, khách thăm hoặc lái xe vào trại về các biện pháp phòng dịch và đề nghị họ hợp tác thực hiện.
– Không khuyến khích khách thăm vào chuồng nuôi và nơi vật nuôi ăn.
– Hạn chế tối đa khách đã đi thăm trại chăn nuôi khác 1-5 ngày trước khi đến trại mình.
– Ngoài cổng trại nuôi treo biển “Cấm vào” và không cho người lạ tự do vào trại.
– Không cho khách thăm tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi.
– Khách chỉ được vào những khu vực nhất định trong trại.
– Bắt buộc khách thăm rửa giầy khi vào và ra trại bằng cách nhúng chân vào hố chứa dung dịch sát trùng.
– Cấp ủng cao su hoặc túi bó giầy bằng chất dẻo, áo khoác sạch cho khách.
*Kiểm soát nhân viên:
– Công nhân sau khi tiếp xúc với vật nuôi bằng tay phải rửa tay.
– Công nhân làm việc trong chuồng nuôi phải mặc trang phục và đội mũ bảo hiểm lao động. Quần áo lao động trong trại cần được khử trùng trước khi giặt.
– Hạn chế tối đa công nhân đi từ khu vực chăn nuôi này sang khu vực chăn nuôi khác trong trại hay tiếp xúc với quá nhiều nhóm vật nuôi trong một ngày.
– Nhân viên trại nuôi không nên chăn nuôi thêm ở gia đình mình. Cán bộ thú y của trại không hành nghề thú y bên ngoài.
– Không mang các loại thực phẩm sống vào khu vực quanh chuồng nuôi để nấu ăn. Nhìn chung không mang thức ăn có nguồn gốc từ thịt vào trại nuôi.
Kiểm soát phương tiện
Chúng ta biết rằng ngành chăn nuôi gia cầm là ngành công nghiệp năng động chuyển động gắn kết nhiều hoạt động với nhau (người chăn nuôi, người phục vụ, các kỹ thuật chuyên ngành, thú y, nuôi dưỡng, chọn lọc giống, ấp nở, thợ sửa chữa điện nước, thiết bị, người chuyên chở thức ăn, vật tư thiết bị, con giống…) Bởi vậy mỗi mắt xích trong chuỗi liên kết này bị rủi ro sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi sản xuất.
– Phương tiện của trang trại sẽ mang mầm bệnh vào trại nếu khi trở về trại không được tiêu độc sát trùng đúng quy định.
– Người lái xe chở thức ăn, chở trứng, chở gà con đi vào trại nếu không thay quần áo bảo hộ, sát trùng sẽ mang mầm bệnh từ ngoài vào trại.
– Các phương tiện ngoài trang trại không được vệ sinh tiêu độc sát trùng trước khi vào trại có nguy cơ lây nhiễm cao từ trang trại sang trang trại.
– Ô tô xe tải đậu rất gần với chuồng nuôi gia cầm nguy cơ lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Kiểm soát chim hoang, thú cảnh và côn trùng
Chim hoang xâm nhập vào chuồng nuôi, tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, ăn thức ăn, thải phân ra sẽ làm ô nhiễm thức ăn và nước uống gây rủi ro lây nhiễm bệnh truyền nhiễm.
Chim cảnh nuôi trong trại rủi ro cao có thể truyền các bệnh truyền nhiễm..
– Tổ chức đường vận chuyển thức ăn không qua khu vực bị nhiễm phân.
– Không chung phương tiện vận chuyển phân với trại nuôi bên cạnh.
– Không dùng phương tiện chở phân để chở thức ăn, trong trường hợp cần phải dùng thì cần rửa rất sạch trước khi chở thức ăn.
– Bố trí kho thức ăn cách xa hố chứa phân, tránh làm đường đi chung đến hai nơi.
– Chim chóc bay quanh trại có thể mang mầm bệnh trong chân và hệ tiêu hóa. Để hạn chế chim trong trại:
– Loại bỏ tất cả các lỗ, hốc nhỏ chim có thể làm tổ trong các mái nhà, bức tường, bụi cây trong trại.
– Các lỗ thông hơi và quạt gió cần có lưới chắn.
– Không cho chim đầu vào khu vực chế biến thức ăn chăn nuôi của trại.
– Loại bỏ những vật gần chuồng nuôi mà chim có thể đậu.
Kiểm soát loài gặm nhấm, chuột và chó, mèo
Chuột phá hoại sàn, tường, đường ống dẫn nước, dây điện. Chuột còn ăn thức ăn của vật nuôi và nguy hiểm hơn chúng có khả năng mang mầm bệnh như Tụ huyết trùng, Salmonella…
Chuột và các loại gặm nhấm rất dễ mang mầm bệnh vào thức ăn của vật nuôi vì bản thân chúng là những ổ bệnh tiềm năng. Để hạn chế chuột và các loài gặm nhấm:
– Các chuồng nuôi được thiết kế chống sự xâm nhập của các loài gặm nhấm.
– Loại bỏ các tổ chuột, nơi trú ẩn của loài gặm nhấm trong trại nuôi.
– Kho chứa thức ăn và bể nước cách xa chuồng nuôi.
– Thường xuyên tổ chức diệt chuột và các loài gặm nhấm trong và xung quanh trại nuôi.
– Kiểm tra sự di chuyển của chó và mèo trong trại.
– Hạn chế chó mèo tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hoặc vào khu vực cho vật nuôi ăn.
– Chó và mèo nuôi trong trang trại phải tiêm vắc xin.
3. Quản lý và vệ sinh trang trại
Đảm bảo đầy đủ quần áo dày dép bảo hộ cho công nhân làm việc và khách thăm trại. Sổ theo dõi khách ra vào trại.
Luôn nhớ rằng thăm đàn nhỏ tuổi trước đàn lớn tuổi sau.
Kiểm tra giám sát việc thực hiện quy trình vệ sinh trong trại hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, có nhận xét để khắc phục những hạn chế thiếu sót giúp quản lý vệ sinh phòng bệnh được tốt hơn.
Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng trại giữa hai đợt nuôi. Đảm bảo thời gian trống chuồng giữa hai đợt nuôi. Nếu không thực hiện tốt các việc này sẽ tồn tại mầm bệnh của đợt nuôi trước lây sang đợt nuôi sau.
Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh bể nước, đường dẫn nước, chất lượng nước qua phiếu đánh giá kết quả kiểm tra định kỳ.
Kiểm tra việc xử lý gà chết, mỗi trại đều có nơi xử lý gà chết hợp vệ sinh (hố tự hủy, lò thiêu xác…). Thu gom gà chết đúng quy định (gà chết được thu gom ngay vào tải hợp vệ sinh và chuyển tới nơi xử lý gà chết). Nếu không làm tốt việc này mầm bệnh từ những con gà chết sẽ lây bệnh trong trại và phát tán mầm bệnh ra môi trường rất nguy hiểm cho trại và khu vực xung quanh.
4. Thành công trong công tác an toàn sinh học
– Xây dựng kế hoạch an toàn sinh học cho trại (Một hệ thống các biện pháp được xác lập, thực hiện và tuân thủ thông qua một kế hoạch mà nó đảm bảo khả năng bảo vệ tối đa trại chăn nuôi khỏi sự lây nhiễm và phát tán mầm bệnh mà có thể gây nên những tổn thất cho chăn nuôi)
– Việc phát hiện, nhận biết các yếu tố rủi ro sớm để khắc phục giúp quản lý công tác an toàn sinh học đạt hiệu quả cao
– Theo dõi, cảnh báo sớm về tình hình dịch bệnh để đối phó là biện pháp tốt trong an toàn sinh học
– Tạo được sự đoàn kết thống nhất cao trong hành động sẽ đem lại hiệu quả an toàn sinh học.
Phan Văn Lục – Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam