7 xu hướng nổi bật trong ngành gia cầm và thức ăn chăn nuôi
Trước thềm sự kiện Eurotier diễn ra vào tháng 11/2022, nhiều công ty thức ăn chăn nuôi (TĂCN) quốc tế chia sẻ những cải tiến công thức thức ăn mới, đồng thời nêu ra 7 xu hướng nổi bật trong ngành gia cầm và TĂCN.
Thức ăn chức năng
Thức ăn bổ sung hoặc hỗn hợp vitamin, khoáng chất, nguyên tố vi lượng… không chú trọng cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho vật nuôi mà hỗ trợ vật nuôi bằng các thành phần đặc biệt. Phụ gia này có thể bao gồm axit amin và enzyme, axit béo chuỗi trung bình, axit oligo, polysaccharides hoặc polyphenolic giúp thúc đẩy chức năng của đường ruột, trao đổi chất và hệ thống miễn dịch, từ đó nâng cao sức khỏe tổng thể của vật nuôi. Thức ăn bổ sung đang được quan tâm đặc biệt vì giúp làm giảm sử dụng thuốc kháng sinh trong các trang trại.
Tối ưu hóa nitơ và phốt pho trong thức ăn tổng hợp
Lượng nitơ và phốt pho dư thừa trong khẩu phần ăn sẽ chuyển sang cơ thể vật nuôi và bài tiết qua phân, từ đó gây ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia dinh dưỡng đang tiếp tục nghiên cứu cách thức giảm thiểu tác động lên môi trường từ 2 yếu tố này. Mục đích của dinh dưỡng là điều chỉnh khẩu phần phù hợp với nhu cầu thực tế của động vật để duy trì các chức năng của cơ thể, cũng như sản xuất thịt, sữa và trứng. Do động vật có nhu cầu protein cao, việc bổ sung protein thường vượt quá mức dinh dưỡng cần thiết. Tương tự, lượng phốt pho có sẵn trong khẩu phần có thể đa dạng tùy nguồn thức ăn kéo theo nguy cơ dư thừa và bị thải ra môi trường ngay lập tức. Nhu cầu protein có thể được cân bằng tốt hơn bằng cách tối ưu hóa chất lượng protein thức ăn thông qua chế biến, bổ sung axit amin tự do hoặc enzyme đặc hiệu. Điều quan trọng nhất là đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng chính xác cho từng mức hiệu suất chăn nuôi cụ thể hoặc cho từng giai đoạn tăng trưởng của vật nuôi. Các vấn đề liên quan đến phốt pho có thể được giải quyết bằng cách giảm hàm lượng phốt pho trong khẩu phần ăn của động vật xuống mức kiểm soát để không gây tình trạng thiếu hụt.
Các nguồn protein thay thế không biến đổi gen
Trong khi nguồn cung đậu tương không biến đổi gen ngày càng khó kiếm, ngày càng nhiều nông dân ở Đức và một số nước châu Âu khác đã dừng sử dụng khô đậu nhập khẩu hoặc thức ăn chứa khô đậu. Do đó, nhu cầu đối với các loại protein thức ăn thay thế ngày càng tăng, ví dụ khô cải biến đổi gen, các loại hạt đậu khác hoặc khô dầu hướng dương. Những loại thức ăn này đang được tìm kiếm và mở rộng nghiên cứu về mức độ bổ sung trong khẩu phần ăn của vật nuôi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng.
Protein côn trùng
Thế giới ngày càng chú trọng yếu tố nhân đạo trong lĩnh vực TĂCN và công cuộc tìm kiếm các nguồn protein mới vẫn tiếp tục. Côn trùng là nguồn thức ăn đầy hứa hẹn và cũng đã được chấp thuận ở châu Âu. Hiệu quả protein côn trùng đã rõ ràng qua hàng loạt thử nghiệm khoa học. Tuy nhiên, phụ gia này vẫn tiềm ẩn rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm.
Nước cũng là thức ăn
Ngoài cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết, cần phải cung cấp đủ nước 2 – 5 lít/kg vật chất khô. Nguồn nước đảm bảo chất lượng là điều kiện tiên quyết đối với sức khỏe và năng suất vật nuôi. Do đó, nước có thể được coi là chất dinh dưỡng hoặc thức ăn quan trọng nhất.
Chất lượng thức ăn thô
Thức ăn thô như cỏ hoặc ngô ủ chua là thành phần chính trong khẩu phần của gia súc nhai lại. Nhưng chất lượng đến giá trị của các loại thức ăn này không phải lúc nào cũng ổn định. Để tối đa hóa chất lượng thức ăn, người chăn nuôi có xu hướng ngày càng chú trọng kế hoạch canh tác, thu hoạch cây trồng ở giai đoạn giàu chất dinh dưỡng nhất.
Phụ gia thức ăn
Phụ gia TĂCN được sử dụng rộng rãi trong khẩu phần ăn cho vật nuôi ở châu Âu, nhưng chỉ sau khi trải qua quy trình phê duyệt toàn diện và phức tạp để đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi và động vật, cũng như hiệu quả. Sử dụng enzyme để cải thiện khả năng tiêu hóa của một số thành phần protein, phốt pho hoặc carbohydrates cũng phổ biến. Tương tự, nhiều probiotics và các sản phẩm khác được sử dụng để ổn định hệ vi khuẩn và sức khỏe đường ruột.
Vũ Đức (Tổng hợp)