6 tháng đầy khó khăn
Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch cúm trên gia cầm và dịch COVID-19 ở người. Đã có quãng thời gian giá gia cầm lao dốc không phanh, kéo theo các lĩnh vực khác như con giống, thuốc thú y, thức ăn… cũng ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) vẫn cố gắng để thực hiện tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ các hội viên đoàn kết, sáng tạo, cùng nhau vượt khó, song vẫn còn rất nhiều trăn trở cho 6 tháng cuối năm 2020.
Ông Phan Văn Lục, Tổng Thư ký VIPA
Chỉ đạo quyết liệt an toàn dịch bệnh
Ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của VIPA giảm sút cả về sản lượng và doanh thu. Tổng đàn giống gia cầm ông bà, bố mẹ của các đơn vị hội viên trong Hiệp hội 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3 triệu con, giảm 30% so cùng kỳ. Trong những tháng giãn cách xã hội, phần lớn các doanh nghiệp phải tiêu hủy hoặc bán trứng lộn (chiếm 30 – 35% tổng sản lượng gà, vịt con 1 ngày tuổi) do không tiêu thụ được sản phẩm. Sản lượng trứng thương phẩm sản xuất và tiêu thụ của Hiệp hội cũng giảm khoảng 30%. Giá bán giảm 15 – 20% so cùng kỳ năm ngoái. Trước nguy cơ dịch bệnh, Ban lãnh đạo Hiệp hội đã chỉ đạo quyết liệt an toàn dịch bệnh cho người và vật nuôi. Qua đó, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm trong toàn Hiệp hội.
Bên cạnh đó, VIPA cùng một số hiệp hội ngành hàng trong nước đã tham gia các hội nghị, kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội và các ngành chức năng tham mưu nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Các đơn vị trong Hiệp hội đã kết nối, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Theo tôi, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 mà VIPA cần đặt ra là: Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người và vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh hoạt động giao thương nội khối. Dựa vào thế mạnh của các thành viên trong Hiệp hội như con giống, thức ăn, thuốc thú y, thiết bị chuyên dụng, kỹ thuật chuyên ngành, truyền thông, xuất nhập khẩu… sẽ phối hợp chia sẻ, giúp nhau cùng phát triển. Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, đặc biệt kế hoạch đầu con giống, giá sản phẩm đầu vào đầu ra để giúp hoạch định và dự báo chính xác trong sản xuất kinh doanh. Phát triển thêm nhiều hội viên tiềm năng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất gia cầm lớn trên các lĩnh vực con giống, trứng, thịt, thức ăn, thuốc thú y và chế biến sản phẩm. Mở rộng thị trường trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, hội thảo, lễ hội giống gia cầm, sản phẩm gia cầm hàng năm.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty VMC Việt Nam
Hoạt động thiết thực, gắn kết
2020 là một năm đặc biệt khi Việt Nam phải đối mặt với sức tàn phá khủng khiếp của virus corona, một số hoạt động theo kế hoạch của VIPA đã không thể diễn ra, các doanh nghiệp ngoài việc phải đối mặt với suy thoái kinh tế, hạn chế tiếp xúc, đồng thời phải đối mặt với việc giá thịt gia cầm, trứng giảm sâu… Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban lãnh đạo Hiệp hội cùng Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn vẫn tiến các hoạt động như: Xúc tiến các hoạt động giao thương nội khối và gắn biển thành viên tại Công ty Gà giống Châu Thành, Nam Định ngày 26/2/2020. Chủ tịch VIPA cùng một số thành viên và Đoàn công tác do Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định dẫn đầu đi thăm vùng nuôi gà thả vườn Minh Dư tại tỉnh Bắc Giang và Phú Thọ. Tại tỉnh Phú Thọ, Đoàn cũng đã thăm và làm việc tại trang trại gà đẻ trứng công nghệ cao tại huyện Tam Nông của Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ. Tháng 6/2020, Phó Chủ tịch Hiệp hội khu vực miền Trung là ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Minh Dư đã đến thăm và tìm hiểu mô hình phòng xét nghiệm bệnh học vi khuẩn tại nhà máy Công ty VMC Việt Nam…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng với những hoạt động quyết liệt, thiết thực của Ban lãnh đạo Hiệp hội đã phần nào giúp các doanh nghiệp thành viên gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau và nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Để năm 2020 có nhiều thành công, theo tôi, trong 6 tháng cuối năm, các thành viên cần tập trung vào 3 hoạt động chủ yếu: Tăng cường các hoạt động giao thương nội khối giữa các thành viên trong Hiệp hội, giữa các thành viên sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, vaccine, thuốc thú y, dụng cụ chăn nuôi… và tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết…; Các thành viên đóng đầy đủ quỹ Hội cũng như tham gia tích cực vào các hoạt động của Hiệp hội; Tăng cường các công tác hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp thành viên, như: Kiến thức về quản trị doanh nghiệp hiện đại, sản xuất tinh gọn, xây dựng thương hiệu, đào tạo về kiến thức marketing và các kỹ năng bán hàng…
Dương Thảo
(Thực hiện)