6 kiến nghị của VIPA để tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm
Ðể tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm, trước mắt là giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm gia cầm, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) kiến nghị các bộ, ngành 6 giải pháp như sau:
1. Coi các sản phẩm trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh gia cầm, bao gồm con giống, thịt trứng gia cầm, TĂCN, thuốc thú y thiết bị chăn nuôi là các hàng hóa thiết yếu được ưu tiên lưu thông vận chuyển, tiêu thụ trong phạm vi toàn quốc trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các xe vận chuyển gia cầm, trứng, TĂCN, thuốc thú y lưu thông trên địa bàn và ra tỉnh ngoài sau khi được phun khử khuẩn và đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định.
2. Ðối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, cần có các biện pháp khẩn cấp để tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm gia cầm nói riêng, chẳng hạn hỗ trợ các điều kiện an toàn cho việc vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản, trong đó làm tốt công tác xét nghiệm, khử khuẩn, chứng nhận về sản phẩm, xe hàng, chủ hàng, người vận chuyển, các tình nguyện viên thu mua, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh… để đảm bảo hàng nông sản đủ điều kiện lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. Ðồng thời, nghiên cứu phương án xét nghiệm trên cơ sở test nhanh COVID-19 miễn phí cho chủ hàng, người vận chuyển; Cấp giấy chứng nhận an toàn ngay tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để thuận lợi cho các chủ hàng và người tham gia vận chuyển.
Cần có các biện pháp khẩn cấp để bình ổn giá TĂCN – Ảnh: IE
3. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo trong ngắn hạn và trung hạn về tình hình sản xuất, thương mại gia cầm trong nước và quốc tế để kịp thời khuyến cáo cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi gia cầm nước ta, tránh khủng hoảng thừa hoặc thiếu sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, cần thiết có các biện pháp và hàng rào kỹ thuật phù hợp để hạn chế và siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm gia cầm nhập khẩu.
4. Ðẩy mạnh công tác truyền thông để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng dùng trứng và thịt gia cầm, giảm thịt heo về mức hợp lý vì đây là xu hướng chung của thế giới. Ðể hưởng ứng “Ngày Trứng gia cầm thế giới” hàng năm, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành giao cho VIPA phối hợp với các doanh nghiệp chủ trì xây dựng và triển khai chương trình “Dinh dưỡng học đường”, trong đó cùng với sữa sẽ đưa trứng gà là một trong các nguồn protein chính vào cơ cấu bữa ăn của học sinh mầm non và tiểu học.
5. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi vượt qua cuộc khủng hoảng, đề nghị:
a) Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay; Ðẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 và 2022; Giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; Giảm tiền thuê đất của năm 2021 – 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; Miễn hoặc giảm phí một số dịch vụ trong đó có phí kiểm dịch thú y đối với một số mặt hàng.
b) Theo tinh thần NQ 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, “Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách…”; “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành nhằm tạo nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô…”. Theo đó, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết, gây khó khăn, tốn kém tiền bạc, thời gian đối với doanh nghiệp. Trước mắt, xem xét bỏ hoặc hoãn quy định hợp quy thức ăn chăn nuôi (TĂCN), thuốc thú y.
6. Cần có các biện pháp khẩn cấp trước mắt để bình ổn giá TĂCN và chiến lược lâu dài về chủ động sản xuất các nguyên liệu thức ăn cơ bản. Trước mắt cần giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu TĂCN. Bởi vì ngành sản xuất công nghiệp TĂCN của nước ta đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu của thế giới và thực chất vẫn là ngành sản xuất gia công, nên giá trị gia tăng không cao.
VIPA